Tản Mạn Dzui Ba Ngày Tết

31 Tháng Giêng 201612:02 CH(Xem: 4976)

Tản Mạn Dzui Ba Ngày Tết

HKC a
 

Trước hết xin “tản mạn” về mấy chữ “Tản Mạn”, “Dzui”  và “Ba Ngày Tết”. “Tản Mạn” là “viết tản mạn”. Theo ngu ý là viết những chuyện (hay những mẩu chuyện) rời rạc, không tập trung vào một chủ đề nhất định, nghĩ gì viết nấy, thấy gì viết nấy, nghe gì viết nấy…biết gì viết nấy và đôi khi…không biết gì cũng viết như kẻ viết đoạn “Tản mạn” này. Viết không đầu không đuôi, không kết không mở…hay nói cách khác là viết rất ư  “linh tinh chợ trời”.                                                                  

Kế đến là chữ “Dzui”. Dzui là dzui dzẻ ấy mà. Xin quý độc giả hiểu cho rằng kẻ viết “tản mạn” này sống chung dzới dzợ là dân Nam Kỳ quốc nên mấy chục năm qua ở trong nhà thì chỉ dzòng dzo dzung dzích dzui dzẻ dzề…đến khi có dziệc ra ngoài thì phải chỉnh lại cái lưỡi để phát âm cho đúng là vòng vo - vung vít - vui  vẻ - về. Sao mà cực quá đỗi…Đọc đến đây chắc quý độc giả thấy cũng dzui dzui rồi…Thế mới gọi “Dzui Ba Ngày Tết”.                                                                                      

Bây giờ chuyển sang ba chữ “Ba Ngày Tết”. Người ta vẫn thường nói “Ba Ngày Tết”. Nào là “nghỉ ba ngày tết” “ăn nhậu ba ngày tết”, “vui chơi ba ngày tết”. Không ai nói “nghỉ bảy ngày tết” hay “ăn chơi mười ngày tết…”. Chuyện ăn chơi suốt bảy ngày, muời ngày hay thậm chí cả tháng, đó là chuyện “lòng thòng” của “Ba Ngày Tết”, vẫn thường xảy ra. Ai trong chúng ta mà chẳng đã từng được nghe…Tháng giêng ăn tết ở nhà. Tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè….như trong bài ca dao đã được các Cụ tiền bối đưa vào chương trình Việt văn ở năm thứ nhất bậc trung học trong tiết mục ca dao tục ngữ. Hoặc đã từng nghe đâu đó câu này: Giêng hai là tháng ăn chơi. Ăn cho sập tiệm đi đời toàn gia (ca dao mới). Tết đây là tết Ta. Gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây. Tây, theo ngu ý là Pháp - nước Pháp. Chưa nghe ai gọi nước Tây cả, nhưng có thể nói “đi Tây” như dân ta hồi xưa vẫn hay gọi đi Tây, dân Tây, trường Tây, tiếng Tây, chồng Tây, giày Tây, cơm Tây, bồi Tây, giặc Tây…cái gì cũng Tây cả. Nhưng khi lấy bà vợ mắt xanh mũi lõ thì không gọi là “vợ Tây” mà gọi là “vợ Đầm”. Chưa từng nghe ai nói tết Mỹ, tết Úc, tết Đức hay tết Húng Gà Ri (Hungari) hay Án Bà Ni (Albani) bao giờ. Nhưng lại có nghe mấy tiếng tết “Công Gô” là nói đến những vịêc không bao giờ xảy ra hoặc có trên cõi đời này. Nghĩ cũng lạ thật! Tại sao người ta không nói tết Ăng Gô La, tết Algerie hay tết Ba Tư nhỉ? Thỉnh thoảng cũng có nghe đến tết “Ma Rốc”. Bộ bên Phi Châu không bao giờ ăn tết hay sao? Xin quý độc giả nào biết trả lời dùm. Cám ơn nhiều…Trên thế gian này, số lượng các quốc gia đón mừng tết Tây nhiều lắm, còn tết Ta chỉ còn lèo tèo mấy nước ở Á Châu trong đó có nước Việt Nam và nước Tàu. Tết của gần một tỉ rưởi mấy chú mấy thím Ba Tàu. Nghe con số đã thấy khủng khiếp rồi huống hồ chi nếu phải chen lấn trong cái đám người lúc nhúc xí xô xí xào đó để tranh nhau leo lên tàu về quê ăn tết thì quả là khiếp! Đứng sau chữ Ba Tàu còn có mấy chữ Ba xạo, Ba láp, Ba que, Ba chớp, Ba nháng, Ba trật, Ba duột, Ba phải, Ba hoa, Ba trợn, Ba đía, Ba đá…Có điều không biết Tàu Lạ có phải là Ba Tàu hay không mà mấy thằng đầu bướu chết tiệt trong nước lâu lâu lại hô hoán lên là có Tàu lạ đâm vào ghe thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam. Kết luận: Tàu lạ Tàu quen cũng đều là Ba Tàu cả. Miễn bàn thêm.                                  

Hơi lạc đề. Giờ trở lại chuyện Ba Ngày tết. Tết bắt đầu từ ngày mồng một tháng giêng. Tháng trước đó gọi là “Tháng Chạp”. Năm dương lịch tức năm Tây thì có từ tháng 1 đến tháng 12, toàn xài con số để đếm tháng. Năm âm lịch hay năm Ta thì khác. Cũng có 12 tháng nhưng chỉ từ tháng 2 đến tháng 11 là gọi bằng số, còn tháng đầu tiên của năm gọi là tháng Giêng và tháng cuối cùng của năm gọi là tháng Chạp. Thật là nhiễu nhương! Đôi khi còn nghe gọi tháng 11 là tháng 1 nữa, nghe nói các vị ở miền Bắc hay đếm tháng giêng, hai, ba, tư (không ai nói tháng bốn), năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, một, chạp. Thấy chưa! Một Chạp là tháng 11 và tháng 12 âm lịch. Nhưng tại sao lại gọi tháng Giêng và tháng Chạp? Thì ra cũng tại mấy cái chú Ba tàu. Chuyện là ngày xửa ngày xưa, cái học của Ta là học theo lối của Ba Tàu, viết chữ của Ba Tàu rồi chế ra chữ Nôm cho đến khi có ông Cha Cố Alexandre De Rhodes (Cha Đắc Lộ) sáng chế ra chữ Quốc Ngữ bằng cách dùng các ký tự La Tinh thì Ta mới bớt lệ thuộc ngôn ngữ Tàu (trừ mấy chú mấy bác thâm nho như đồng chí anh hùng lao động Vũ Khiêu, nhờ Hán thâm nên biến thơ của Lý Bạch thành thơ của mình để tặng cho em huê hậu miệt giường (nói theo giọng Nam kỳ quốc), nếu không thì ngày nay, toàn dân Ta hễ ra đường gặp nhau thì xổ toàn nho chùm thì mệt lắm.                                                                               
Đang nói chuyện tháng Giêng và tháng Chạp. Mấy chú Tàu gọi tháng 1 âm lịch là ‘Nguyên Nguyệt’ và tháng 12 âm lịch là ‘Lạp Nguyệt’. Mấy chữ này khi truyền vào Việt Nam, dân Ta nói riết đọc riết thì trại ra thành ‘tháng Giêng’ và ‘tháng Chạp’. Sách vở xưa nói thế chẳng biết đúng sai thế nào. Thôi thì ta cứ ghi nhận như thế đi. Còn nữa, theo các Cụ của ta ngày xưa (lại ngày xưa, miễn bàn cãi) tháng Chạp được gọi là “tháng củ mật”. Nghe mấy chữ “tháng củ mật” cũng ngồ ngộ và được các Cụ giải thích như sau: củ là củ soát, kiểm soát, còn mật là cẩn mật. Lý do có “tháng củ mật” tức tháng Chạp, tháng giáp tết thì nạn trộm cắp chôm chỉa thường xảy ra bởi đám đạo chích cho nên chính quyền làng xã ở các miền xa đô thị phải thường xuyên nhắc nhở cho dân chúng lúc nào cũng cảnh giác đề phòng kẻ gian. Hiện nay được biết 12 tháng tại Việt Nam đều được gọi là tháng “củ mật”. Nạn chôm chỉa này cũng được “xuất khẩu” ra các nước nhưng các nước này không biết tháng “củ mật” là gì nên chưa biết làm cách nào để “củ mật”.           
Kẻ viết “tản mạn” này trộm nghĩ…không biết có phải chữ Chạp trong tháng Chạp đã biến thành “động từ” hay không khi mà trong tháng 12 âm lịch, người Việt Nam ta nhắc nhở nhau đi đến các nghĩa trang, hoặc nơi chôn các người thân đã chết để “chạp mộ, chạp mả” tức là người ta đến đó sửa sang lại các ngôi mộ cho thoáng đẹp, không còn cỏ cây um tùm quanh mộ rồi đốt nhang và dâng lễ vật cúng kiến để coi như chuẩn bị mời những người đã quá cố về ăn tết với người còn sống. Chạp mả hay dẫy mả cũng thế. Ta còn có chữ “dẫy cỏ” tức làm cỏ, cuốc cỏ cho sạch ở nương rẩy, vườn sân…Không nghe ai nói “chạp cỏ”. Có lẽ “chạp” gắn liền với tháng Chạp và động từ “Chạp” chỉ dùng để chỉ công việc làm đẹp mồ mả thôi. Lúc còn ở với cha mẹ, cứ đến ngày rằm tháng Chạp là phải vác cuốc theo cha và mấy người bà con (bác, chú, cô, anh chị) đến Mả Thánh Đà Lạt để dẫy mả. Trên cả chục ngôi mộ nằm rải rác, cỏ mọc tứ bề, mộ bia xiêu vẹo trông hoang tàn, có mộ bị sụp vài mảng do mấy chú bò dẫm lên. Năm sáu người chạp mả từ 10 giờ sáng cho đến hai ba giờ chiều mới trở về. Ngày đi chạp mả hay dẫy mã không nhất định là ngày nào trong tháng Chạp mà tùy theo từng gia đình, từng giòng tộc miễn sao nội trong tháng Chạp phải làm cho xong nghĩa vụ này, bất luận ngày nào cũng được.                                                                                                                                      
Nhân đây cũng xin nhắc đến chuyện có liên quan đến dẫy mả. Chuyện này không thể dùng hai chữ “chạp mả” vì thời gian “dẫy mả” này không dính dáng gì đến chuyện tết âm lịch. Đó là lễ “Tảo mộ”. Tảo mộ cũng là việc là dẫy cỏ, dọn dẹp khu mộ cho sạch sẽ và thắp nhang và đốt giấy vàng bạc cho người ở địa phủ có tiền mà xài (như hai câu trong Truyện Kiều: Ngổn ngang gò đống kéo lên. Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay…). Lễ tảo mộ đi liền với hội “Thanh Minh” thường gọi là hội “Đạp Thanh”. Đây là một lễ hội có từ xa xưa của người Tàu (lại Tàu!). Ở Việt Nam hình như không có lễ tảo mộ hay hội đạp thanh này. Đọc lại Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du thấy có hai câu thơ nói đến chuyện này xảy ra bên Tàu vào năm “Gia Tĩnh Triều Minh”…                                                                                                                       
Ngày xuân con én đưa thoi                                                                                             
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi                                                                      
Cỏ non xanh tận chân trời                                                                                              
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa                                                                            
Thanh minh trong tiết tháng ba                                                                                          
 Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…

Cũng chưa hết. Đến ngày 23 tháng Chạp, theo tập tục (kẻ viết tản mạn này không gọi là truyền thống), đó là ngày đưa Ông Táo về trời để ông thần bếp này lên tận thiên đình tường trình mọi việc đã xảy ra trong năm dưới trần thế cho Ngọc Hoàng rõ. Tục truyền vào ngày đó ông Táo cưỡi cá chép vượt vũ môn để bay về trời. Ông ta ở suốt tuần trên thiên đình ăn nhậu với Ngọc Hoàng cho mãi đến ngày 30 tháng Chạp (nếu tháng thiếu là ngày 29) mới trở về trần thế để kịp ăn tết với vợ con. Không biết ông Táo có con hay không nhưng vợ ông ta có một anh chồng nhỏ (hay chồng lớn?) nữa nên thiên hạ hay nói “hai ông một bà” là như vậy…Một chuyện nữa được truyền rằng ông Táo (không biết ông Táo lớn hay Táo nhỏ?) chỉ mặc áo chứ không bao giờ mặc quần. Theo “nghiên kíu” của kẻ viết tản mạn thì khi hai ông ở trong đống rơm đang cháy, vì nóng quá nên cởi quần ra để dập lửa cho nên khi người ta kéo xác hai ông ra chỉ thấy một mảnh áo che thân còn hai chiếc quần đã biến thành tro... Bà Táo cũng nhảy vô đống rơm đang cháy phừng phừng nhưng chẳng biết bà có dùng quần để dập lửa hay không? Chuyện này chưa thấy ai thét mét cả. Thế rồi từ đời này tiếp sang đời khác, người ta cũng bắt chước ông Táo để viết những bài gọi là Sớ Táo Quân tâu đủ mọi chuyện của dương thế đến Ngọc hoàng. Mỗi năm có cả trăm cả nghìn bài sớ không biết Ngọc hoàng có nghe và đọc được hay không mà chỉ thấy xuất hiện trên các tờ báo xuân. Ngày nay, sớ Táo quân xuất hiện trên internet cũng không ít.Trên trang anhdao.org của mấy bác gái Bùi Thị Xuân và bác trai Trần Hưng Đạo cũng thấy có Sớ Táo Quân Anh Đào xuất hiện những năm gần đây như là một thông lệ của “Ba Ngày Tết”.                                                                                                                                           
Viết đến mấy trang rồi mà vẫn còn lẩn quẩn ở mấy ngày trước tết. Thế nhưng đã hết đâu! Trước ngày mồng một có nhiều chuyện diễn ra lắm. Có một việc nữa phải làm trước tết. Đó là công việc chỉ được giao cho bọn con trai, đám con gái trong nhà không được đụng tới (không biết trong nhà không có con trai thì ai làm đây?). Đó là việc dọn dẹp trên các bàn thờ, đặc biệt là chùi các bộ lư hương, bát nhang, bình cắm hoa và nhiều món linh tinh khác. Công việc nặng nhất là chùi bộ lư hương bằng đồng, phải làm cả buổi mới xong. Sau một năm ngồi trên bàn thờ các bộ lư đồng do bị oxy hóa nên biến thành màu đen, nhiệm vụ của mấy đứa con trai trong nhà là phải chùi cho nó trở lại màu vàng đồng bóng loáng. Cũng không có gì khó cả, chỉ cần dùng cát hoặc đất bôi lên rồi dùng một miếng vải thấm nước chà lui chà tới, chà đủ mọi góc mọi cạnh là màu đen sẽ biến ngay, sau đó bôi lên một lớp dầu chùi bóng và dùng vải sạch chà lui chà tới là OK. Dạo ấy nhiều nhà có những bình cắm hoa cũng bằng đồng được làm bằng những vỏ đạn cà nông nên cũng phải chùi cho bóng láng như các bộ lư hương, nếu là bình bằng sành thì dễ dàng làm sạch hơn. Sau đó còn phải dọn vệ sinh trên các bàn thờ nữa, công việc tuy không nặng nhọc nhưng đôi lúc chùi sạch và chà láng không đúng mức nên bị lôi đầu bắt phải làm lại. Cũng khổ thân cho bọn con trai lắm chứ!              

Ngoài những chuyện vừa kể, lại còn phải nhắc tới việc chuẩn bị phục vụ cho “Ba Ngày Tết”, nói cho dễ hiểu là chuyện ẩm thực tức là chuyện ăn và uống. Bất kể nhà giàu hay nghèo, giàu nức vách hay nghèo mạt rệp cũng phải mua các thức ăn cho “Ba Ngày Tết”. Nào là thịt heo bò gà, các thứ cá, rau quả bông hoa, nhang đèn, bánh kẹo, bánh chưng bánh tét (bánh tết), rượu trà bia, nước ngọt…và còn nhiều món lỉnh kỉnh khác…như pháo và các hình ảnh trang trí trong nhà như câu đối hay câu “Cung Chúc Tân Xuân”, “Chúc Mừng Năm Mới”                                                         

Việc làm sau đây cũng diễn ra trước ngày tết. Đó là việc quét vôi cả trong lẫn ngoài nhà cho mới để ăn tết. Những nhà xây bằng gạch hay ắc lô (không hiểu chữ ắc lô do đâu mà có, là những viên gạch màu xám được đúc bằng xi măng và cát bởi một cái khuôn có 6 lỗ, lớn khoảng gấp 6 lần những viên gạch bằng đất nung. Ắc lô đúc xong đem phơi cho khô cứng là dùng được) tráng xi măng mới quét vôi chứ như nhà của kẻ viết tản mạn này dạo đó chỉ làm toàn bằng gỗ thông nên bớt đi một việc nặng nhọc. Nhưng thỉnh thoảng cũng được mấy đứa bạn Hướng Đạo ới đến nhà chúng để phụ quét vôi như là một việc thiện cần phải tham gia và đó cũng là cơ hội chơi đùa với bạn bè, đặc biệt là được các ông bô bà bô của bạn tặng cho một bữa ăn ngon và còn có màn cho uống nước cam hiệu Birley nữa…                                                                                                                                      
Càng gõ thấy càng lòi thêm lắm chuyện. Một trong những chuyện không kém quan trong là chuyện mua sắm áo quần. Ai sao không biết chứ kẻ viết tản mạn này lúc bé cứ mong cho đến tết để được một chiếc áo mới (thường là chiếc chemise màu trắng, đôi lúc áo có hình ca rô đủ màu), một quần mới (khaki màu xanh hoặc vàng đất, lên trung học thì được mặc hàng xịn như tetoron chẳng hạn) và một đôi sandale bằng da màu nâu cũng mới toanh. Đà Lạt vốn lạnh nên đôi khi cũng có được một chiếc áo laine hoặc một áo blouson mới, học đến đệ nhị đệ nhất thì tự mình để dành tiền để sắm một chiếc áo vest hoặc một áo manteau và đôi giày Tây màu đen hoặc màu nâu với một đôi vớ duy nhất. Ngày thường đi học thì chỉ mang giày vải hiệu Bata hoặc sandale, lắm lúc cũng lê đôi dép Nhật vào lớp…Việc ăn mặc thấy cũng “đoạn trường” lắm vì mình là con nhà nghèo mà. Lúc còn bé, khi nhận được bộ áo quần mới thì việc đầu tiên là mang ra mà ngắm nghía cho mãn nhản, thử tới thử lui, sau đó mới xếp cẩn thận rồi đem đặt dưới đầu giường cho nó thẳng, đến sáng mồng một mới kéo ra mặc vào người. Trên bộ quần áo mới thấy những nếp gấp rất vô kỷ luật. Lúc đó làm gì có bàn ủi để ủi cho thẳng nếp, mãi sau này bà cụ mới thỉnh cho một chiếc bàn ủi bằng sắt nặng trình trịch có một chú gà trống Gaulois ở đầu nắp như một cái chốt để mở ra đóng vào. Muốn ủi phải lấy than đốt lên rồi cho vào bàn ủi, chờ cho thật nóng mới ủi. Nếu gặp than xấu bị nổ văng ra thì trên áo quần có vài lỗ cháy li ti.                                                   

Ngày cuối cùng của năm âm lịch tức là ba muơi tháng Chạp hoặc hai mươi chín tháng Chạp (nếu là tháng thiếu), nhiều gia đình theo đạo thờ cúng tổ tiên ông bà hay những người theo đạo Phật đều có cúng tất niên. Việc cúng này là để mời những người đã khuất về ăn “Ba Ngày Tết” với thân nhân còn sống, cho đến cuối ngày mồng ba mới có một lần cúng nữa gọi là “cúng đưa ông bà”.

Giờ này trên đầu chẳng còn một sợi tóc nào cho ra đen, ấy vậy mà ngồi “tản mạn”, có lúc tưởng chừng như mình đang còn là cậu bé mười hai mười ba tuổi với bao nhiêu háo hức của tuổi thơ khi chuẩn bị đón “Ba Ngày Tết”. Lòng bỗng tràn trề bao niềm vui. Nghĩ lại, làm sao để có được đoạn đời vô tư hạnh phúc như thế nữa! Những ngày thơ dại ấy đã bay qua (không phải trôi qua) một cái vèo. Lắm lúc ngoái cổ nhìn lại thì thấy những đám mây màu hồng đẹp lảng đảng ở một nơi thật xa xôi…xa vô tận.

Tản Mạn “Dzui Ba Ngày Tết” nhưng mới chỉ nhắc đến vài mẩu chuyện trước tết chứ chưa nói chuyện mồng một mồng hai mồng ba. Chắc phải hẹn năm sau viết tiếp. Vì viết đến đây thì nghe đì đùng pháo nổ bên tai (tưởng tượng), vợ con đang bày hoa trái để cúng giao thừa, mấy đứa cháu cũng đang treo mấy thước pháo hồng trên cây nêu trước sân nhà để chuẩn bị đốt. Bèn nhớ đến câu đối đã viết trên giấy đỏ bằng mực Tàu (muốn tránh chữ Tàu mà không được) nên lấy ra treo trên tường ngắm ngắm nghía nghía. Năm cũ dzọt qua, năm mới chồm tới. Năm cũ là năm con Dê. Năm mới là năm con Khỉ. Hai câu đối như sau:                                                                   
                                                                NÂNG CỐC TIỄN DÊ ĐI, ĐÓN TẾT                                                                                         
                                                              CẠN LY MỜI KHỈ ĐẾN, MỪNG XUÂN
HKC cHKC b

                                                                         Phong Châu  
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn