Bài thơ " Nói Với Em Lớp Sáu"

06 Tháng Mười 20239:53 CH(Xem: 897)
Xin mời đọc về chuyện một bài thơ hay trong Đặc San Trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, cùng những kỷ niệm của tuổi học trò trước tháng 4/75:
Bài thơ " Nói Với Em Lớp Sáu"
     (Phiếm Luận -ĐoànXuânThu) 

Niên khóa 1974-1975, Nha Sinh hoạt học đường có tổ chức giải thưởng cho những Đặc san Xuân của các trường Trung học.

Ban giám khảo gồm các nhà văn nhà thơ, nhà văn và hoạ sĩ tên tuổi như : Bình-nguyên Lộc, Minh Quân, Lê Tất Điều, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh, nữ họa sĩ Tố Oanh v v... 

Kết quả là : 

1. Giải nhất về Đặc san Xuân của Trường Nữ Trung Học Gia Long,

2. Giải nhì về Đặc san Xuân của Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) 

3. Giải ba về Đặc san Xuân của Trường Trung Học Võ Trường Toản. 

Theo một vài giám khảo nói trên tiết lộ, thì rất nhiều sáng tác - nhất là thơ - trong các Đặc san học sinh đã làm ngạc nhiên những cây bút đàn anh, đàn chị.

Mốt trong số đó là bài thơ “Nói với em lớp Sáu “

 

Này em lớp sáu này em nhỏ

Gặp em rồi không quên em đâu

Chiều nay hai đứa về qua phố

Rất tự nhiên mà mình quen nhau

 

Em chạy tung tăng không mắc cỡ

Chị thì bước bước chậm theo sau

Tuổi mười hai chị xa xôi quá

Chị gọi em chờ, em chạy mau

 

Này em lớp sáu này em nhỏ

Em hãy dừng chân một chút lâu

Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ

Tóc em thơm ngát mùi hương cau

 

Hương cau vườn chị xa như tuổi

Ba má chị nằm dưới mộ sâu

Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa

Chị đi về hai buổi âm u

 

Gặp em ngoài phố mình như bạn

Thơ mộng trong bàn tay nắm nhau

Chị ngắt cho em bông cúc nhỏ

Em cười cái miệng mới xinh sao

 

Ngày xưa chị cũng như em chứ

Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào

Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm

Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao

 

Những con bướm lượn trên bờ cỏ

Chị cũng như em đuổi bắt mau

Bây giờ bướm biệt trên đường phố

Chị đuổi sương mù chơi chiêm bao

 

Này em lớp sáu này em nhỏ

“Gặp em rồi muôn thuở không quên”

Trời ơi, câu đó ngày hôm trước

Ai rót vào hồn chị hỡi em?

 

Sách trên tay chị nghe chừng nặng

Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh

Thôi nhé em về con phố dưới

Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên.

Trần Bích Tiên.

***

Nhà văn Võ Phiến.

Đây không phải là tác phẩm của một thi nhân, thi sĩ nào, không phải của một nhân vật nào trong các giới văn học, chính trị, tôn giáo, triết học ..v.. v ... 

Đây là một trường hợp đặc biệt : trường hợp bài thơ duy nhất, có thể là đầu tiên của một thiếu nữ chưa hề có tên tuổi gì trên văn đàn: một nữ sinh trung học . 

Nguyên vào tháng 2 năm 1975, Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc thi văn chương giữa các trường trung học trong nước. 

Trong giai phẩm  Bùi Thị Xuân ban giám khảo gặp một bài thơ lạ lùng : “Nói Với Em Lớp Sáu”, của Trần Bích Tiên. 

Bài thơ được đăng ngay lên một tạp chí uy tín ở Nam Việt Nam là tờ Bách Khoa .

Sau bốn năm sống ở nước ngoài, bây giờ đọc lại bài thơ nọ chúng ta sửng sốt trước hình ảnh và tâm tình của một người con gái Việt Nam, tưởng như gần mà đã hóa xa xôi. Một cái gì rất thân thiết mà chúng ta đang mất dần, không cách nào lưu giữ nổi.

“Nói Với Em Lớp Sáu” thế còn “chị” thì lớp mấy ? 

Cao nhất trường Bùi Thị Xuân là lớp 12, chẳng qua cũng chưa khỏi bậc trung học.

Ở xứ Mỹ này, con gái “high school” hãy còn nhẹ nhõm,  vô tư lự biết mấy. 

Thế mà “chị 12” trong thơ Việt Nam nặng trĩu ưu tư, u hoài, tâm hồn ngỗn ngang chất chứa : một mối u tình, hai cảnh tang tóc, bao nhiêu cay đắng luyến tiếc. 

Bài thơ cho thấy mức độ trưởng thành về tình cảm của một người con gái trong xã hội Việt Nam. Trưởng thành sớm quá, sớm không ngờ.

Còn đang ở trung học nàng đã mất tuổi hoa niên, và kêu than cảm động :

“Thôi nhé em về con phố dưới

Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên”

Thấy rằng bước chân em lớp sáu nhanh hơn bước chân chị, rằng cặp em đầy vẫn nhẹ tênh mà sách trên tay chị nghe chừng nặng, nhận thấy được những cái ấy phải là người rất tinh. Phải tinh lắm mới ý thức được độ chín mùi của tình cảm mình như thế.

Tâm hồn sớm chín mùi ở một thiếu nữ, ấy là vì hoàn cảnh đau buồn (ba má nằm dưới mộ, kẻ “rót vào hồn” lời yêu đương đã xa cách, vườn nhà bị thiêu hủy) hay chỉ vì cái khung cảnh nơi quê hương, ở đó con gái sớm có thái độ u uẩn, chín chắn ?

Chúng ta cũng kêu theo : “Trời ơi, đọc cô rồi muôn thuở không quên!”. 

Xa quê hương, chúng ta nhớ biết bao cái hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam u hoài, với bước chân chậm rãi và tay sách trĩu nặng ấy!

Tác giả bài thơ này hiện ở đâu ? Hai tháng sau bài thơ này là đại biến cố 1975, tác giả rồi có còn cơ hội nào cầm lại ngọn bút chăng ? (*)

Võ Phiến. 

Văn học Nghệ thuật, California 1979 

Sau khi bài này in vào cuốn Thơ Miền Nam tập I, do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1991, chúng tôi có liên lạc được với tác giả Trần Bích Tiên chính là nữ thi sĩ Huệ Thu hiện cư ngụ tại San José, CA, Hoa Kỳ 

*******

Giáo sư Trần Vấn Lệ.

Năm học 1974-1975, tôi là Giáo Sư Cố Vấn Ban Báo Chí Học Sinh Trường Nữ Trung Học Công Lập Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Trưởng Ban là em Vũ Thị Khánh, học lớp 12.

Tôi khuyến khích và đôn đốc các em thực hiện Đặc San Xuân Bùi Thị Xuân Tân Mão 1975 theo lệnh của cô Hiệu Trưởng Trần Phương Thu hiện ở Canada. 

Bài vở phải là của học sinh, không có bài nào của bất cứ Giáo Sư nào hay của ai không học Bùi Thị Xuân.

Các em có than: "Các em bận thi, Thầy giúp tìm bài thêm ở các Chị đã ra trường". 

Biết Huệ Thu từ năm 1961, lúc Huệ Thu còn học Bùi Thị Xuân và từng làm thơ, viết văn, tôi đến nhà anh Bùi Sâm, anh ruột của Huệ Thu hỏi xin bài. Anh Bùi Sâm vui vẻ đưa cho tôi xem một xấp bài của Huệ Thu tôi chọn 2 bài thơ, một dài, một ngắn có liên quan đến việc học của Huệ Thu và thành phố Đà Lat, đó là Bài “Nói Với Em Lớp Sáu”, Huệ Thu lấy bút hiệu Trần Bích Tiên và bài “Mưa Bay Trên Đồi Tân Lạc”, Huệ Thu ký Trần Thị Tiên. 

Có bài thì mừng quá, đưa cho em Vũ Thị Khanh sắp xếp. Đặc  San Xuân Bùi Thị Xuân dày khoảng 150 trang, họa sĩ Võ Tấn Đông, Giáo Sư trường Kỹ Thuật La San, bạn tôi, chăm sóc về bìa và hình thức, đánh máy, in, thì giao cho anh Thân Trọng An, Hiệu Trưởng Trường Mỹ Lộc lo, có trả tiền công. 

Báo in xong trước Tết Tân Mão, lo nộp lưu chiểu và gửi về Bộ Giáo Dục theo yêu cầu tham gia thi Đặc San Học Đường toàn quốc.

Đầu tháng 3-1975, được tin Đặc San Bùi Thị Xuân được giải nhì, Bộ Giáo Dục cho một phái đoàn nhà trường xuống Sài Gòn để nhận bằng khen và trao phần thưởng. 

Phái đoàn gồm cô Hiệu Trưởng Trần Phương Thu vài nữ Giáo Sư, tôi và anh Trần Hữu Lục là 2 nam Giáo Sư tháp tùng và chừng năm em học sinh, đi khứ hồi máy bay Air Việt Nam.  Lễ phát thưởng tổ chức tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, ngày 10 tháng 3- 1975, đúng vào ngày Ban Mê Thuột bị tấn công và thất thủ. 

Về Đà Lạt, nhà trường không đề cập hay báo cáo gì về Đặc San cả, toàn trường lo cho ngày trại tất niên, ngày 17-3-1975, không ngờ mới hơn nửa ngày thì phải bỏ hết vì có tin VC vào thành phố, các trường Võ Bị Quốc Gia, Đại Học CTCT, Trung Tâm Huấn Luyện CSDC di tản. 

Trường Bùi Thị Xuân và tất cả các trường công tư đều đóng cửa, mạnh ai nấy di tản.

Ngày 3-4-1975, Đà Lat chính thức đổi...đời!  (Đà lạt mất ngày 3-4-1975 nên  có đường 3-4 )

Tôi, nam giáo sư của trường Bùi Thị Xuân đi cải tạo xa, các đồng nghiệp cùng trường thì cải tạo tại địa phương.

Tôi mất 6 năm xa Đà Lat, về lại lo đi nữa. Hỏi thăm trường cũ, không ai nói gì nhiều, bạn cũ có nhiều người còn dạy mà lạnh lùng, lạt lẽo, Đặc San Xuân Bùi Thị Xuân nghe nói bị gom và thiêu hủy toàn bộ.

Tôi tới Mỹ cuối năm 1989, gặp Huệ Thu năm 1991. Mừng thấy lại cô nữ sinh của trường mình...và chuyện văn chương chảy xuôi theo dòng thời gian và hoàn cảnh mới. 

Không ngờ ông Võ Phiến nhớ lại một thời, chạnh lòng với tuổi thơ Việt Nam. Cũng duyên và...cũng ngộ.

Tôi rất đỗi mùng thấy "Châu về Hợp Phố", bây giờ tôi cảm ơn Huệ Thu cho tôi đọc những lời của ông Võ Phiến, bây giờ tôi lại ngậm ngùi vì anh Bùi Sâm đã mất tại Đà Lạt trong thập niên 1990.

Ngoảnh lại, mới đó mà 50 năm hơn, tôi gặp Huệ Thu hồi còn cô bé xinh, mặc áo dài trắng, khoác áo laine xanh. 

Trong cái nhìn của tôi: thời hoa niên của Huệ Thu chưa mất... 

Thời Sự Văn Nghệ.

***

Qua những thông tin do người có liên quan cung cấp ta thấy:

1. Nhà thơ Trần Bích Tiên tác giả bài thơ không phải là một nữ sinh lớp 12 niên khoá 1974-1975 mà là cựu học sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt rất lâu. Theo tài liệu dẫn thượng thì Trần Bích Tiên đã rời trường nữ trung học Bùi Thị Xuân ít nhứt 15 năm nên bút pháp rất già dặn, tuy nhiên ý thơ vẫn phảng phất một phần suy nghĩ cúa cô gái nữ sinh lớp 12 có người yêu lớn hơn 5, 7 tuổi đang trên đường ra mặt trận.

Người yêu của nhà thơ khóa 14, Khoá Nhân vị 1957-1961 trường VBQG Đà Lạt, Trung Tá Nguyễn Bình Thuận đã tử trận ở Chương Thiện.

Kết luận: Cuộc chiến do CSBV xâm lược Miền Nam gây ra những thanh niên Miền Nam chịu gian khổ để chồng lại. Nhưng gian khổ nhứt phải kể là người Mẹ, người vợ, người yêu cúa lính.

Và bài “Nói với em lớp Sáu” là một trong những bài thơ về thời chiến rất hay.

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

I♥️♥️♥️✍🏿✍🏿✍🏿🌹🌹🌹

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn