Tuổi Trẻ Chúng Tôi

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 175510)
TUỔI TRẺ CHÚNG TÔI

Trích Trong Tuyển Tập “Người Du Ca Muôm Thuở”. Ấn bản Tháng 10 - 2011
img1 img2
 Một số trong rất nhiều mẩu chuyện về Nguyễn Đức Quang và bạn bè thuở thiếu niên “cắp sách vô lớp” và thuở thanh niên của thời “tay không đến giảng đường” và “lê gót giang hồ” trên khắp nẻo “Đường Việt Nam”. Từ thuở thiếu thời đã học cùng trường, cùng sinh hoạt và cùng lang thang, vừa chơi cho thỏa mãn tính “phiêu lưu” để làm nên một Phong Trào ca hát ảnh hưởng đến việc nhận thức về con người, xã hội và đặc biệt là thấy được “Kịch Bản Việt Nam” thời chiến của hàng triệu thanh thiếu niên Miền Nam Việt Nam.
 Trước năm 1975 rất ít người biết Nguyễn Đức Quang ngoài những bạn bè ở Đàlạt, anh em Hướng Đạo Đàlạt, kế đến là anh chị em sinh viên của phân khoa Chính Trị Kinh Doanh Đàlạt, các nhóm Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Công Tác Hè 1965, Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạ tHọc Đường, một số sinh viên các phân khoa của Viện Đại Học Sàigòn, một số tổ chức văn hóa và các nhà hoạt động thanh niên, dĩ nhiên là các thành viên Phong Trào Du Ca khắp Miền Nam, sau cùng là các đơn vị trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa khi Nguyễn Đức Quang phục vụ tại Cục Chính Huấn. Cho đến khi ra hải ngoại thì tên tuổi Nguyễn Đức Quang mới được nhắc nhở đến nhiều, các bài hát do anh sáng tác được hát khắp nơi. Anh được mời đến hát cho nhiều Cộng Đồng Người Việt ở Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu…và các trại hè của sinh viên học sinh khắp nơi. Trong các ngày kỷ niệm có tính cách lịch sử, Nguyễn Đức Quang đều có mặt với những bài ca của anh với cây đàn thùng muôn thuở.
 Những mẩu chuyện được kể để tưởng nhớ Nguyễn Đức Quang là một người em kết nghĩa, một người bạn từ thuở thiếu thời của kẻ viết bài này.

Gặp Nguyễn Đức Quang Lần Đầu: Dạo ấy, mùa hè 1959 vào một buổi chiều thứ năm, đội Voi chúng tôi họp tại đồi thông nằm phía trên đường Trương Vĩnh Ký, sau này nơi đó có khách sạn Thủy Tiên II cũng là nơi có đại-học-xá dành cho nữ sinh viên Đại Học Đalạt. Thường chúng tôi họp vào lúc hai giờ cho đến bốn giờ chiều. Buổi họp kết thúc, chúng tôi gồm bảy Hướng Đạo Sinh tay trái đặt lên tay phải đứng thành vòng tròn hát bài “ Lúc thú vui này lòng còn quyến luyến…” trước khi ra về. Khi tan hàng, Truyện là một đội sinh còn nấn ná đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm ai. Cuối cùng Truyện chạy đến phía sau một cây thông to, nơi đó có một người bạn đang chờ. Anh chàng này cỡ tuổi chúng tôi. Truyện đưa anh chàng mặt hơi ngô ngố, gầy gò, nước da trắng, có cái miệng vêu vêu ra phía trước đến giới thiệu với tôi và muốn xin cho anh chàng gia nhập Hướng Đạo. Tôi bèn lấy sổ tay ra ghi. Bồ tên gì? Nguyễn Đức Quang.Học ở đâu? Bồ Đề. Lớp mấy? Đệ ngũ. Nhà ở đâu? Calmette. Số nhà? 33. Sau đó Truyện và tôi đạp xe theo Quang về tận nhà ở đường Calmette để biết thêm về gia đình của Quang. Đó là một trong những cách mà một Hướng Đạo Sinh “đàn anh” như tôi phải làm khi tiếp nhận một “đội sinh” mới vì khi đó tôi là “đội trưởng”. Về đến trước nhà Quang, đưa xe xuống mấy bậc cấp bằng xi măng, chúng tôi dựng xe ở trước sân để theo Quang vào nhà. Bố của Quang đi làm chưa về, Quang đưa hai đứa tôi ra nhà sau chào mẹ của Quang. Đây là ngôi nhà xây từ thời Pháp, không lớn lắm nhưng khang trang, có sân trước và một lối nhỏ bên hông phải đi ra phía sau, bước lên mấy bậc cầu thang bằng gỗ để vào “căn nhà sàn” của Quang. Chính căn nhà sàn này là nơi chúng tôi tụ tập sinh họat, vui chơi, ca hát và bàn tính công việc của cả một thời tuổi trẻ không sao quên được.

Sinh Hoạt Hướng Đạo: Sau vài buổi đến sinh họat với đội “Voi” ở thiếu đoàn “Lê Lợi”, Quang đã chứng tỏ là một thiếu niên ham hoạt động và có tài. Các giờ học chuyên môn, Quang thu nhận rất nhanh đồng thời với tính tháo vát và luôn luôn tham gia các công tác xã hội trong phạm vi châm ngôn “giúp ích” của Hướng Đạo. Lần dự trại đầu tiên, Quang xử dụng chiếc harmonica biểu diễn những bài ca vui khiến cho các bạn rất hâm mộ. Quang thường làm “quản ca” “quản trò” hoặc “náo hoạt viên” trong các kỳ trại đoàn và các buổi sinh hoạt chung với bạn bè. Là một đội sinh giỏi, Quang được đề cử làm “đội phó” rồi “đội trưởng” đội Voi khi tôi giữ trách vụ của một “đội trưởng nhất”. Thời gian sau đó Quang được phong nhậm làm “đội trưởng nhất” khi đạt được đẳng hiệu “Hướng Đạo Hạng Nhất”. Khi làm đội trưởng đội Voi, có lần Quang dắt hai đội đi trại, mà theo quy định thì trại đội chỉ kéo dài trong ngày mà thôi, nghĩa là sáng đi chiều về (trại đội không có Trưởng đi theo). Nhưng cho đến chiều tối khuya mà Quang và các đội sinh vẫn chưa trở về khiến cho các Trưởng ở Đàlạt phải nhờ Ty Công An và An Ninh Quân Đội điều động nhân viên vào rừng để tìm kiếm (1).Năm 1961 chúng tôi thành lập Ban Văn Nghệ Hướng Đạo Lâm Viên để thực hiện các buổi phát thanh trên đài Đàlạt phát vào mỗi tối thứ tư từ 7 giờ do Quang làm trưởng ban. Chúng tôi còn diễn kịch với nhau trên sân khấu trong những buổi lễ phát thưởng của trường, trong những ngày lễ và trại lớn của Hướng Đạo và các ngày lễ hội ở chùa Linh Sơn có đông dân chúng đến xem. Có một lần diễn kịch trước sân trường Bồ Đề nhân ngày Phật Đản, tôi và Quang cùng một người bạn Hướng Đạo tên Phan Văn Ngữ diễn một vỡ kịch, trong đó có đoạn chúng tôi tát tai Ngữ. Khi tập chỉ tát nhẹ nhưng khi diễn, tôi và Quang đóng như thật nên hai đứa cùng tát Ngữ hai cái nẩy lửa. Kịch chấm dứt, cả ba rời sân khấu. Vừa bước xuống bục gỗ thì thấy ông già – ba của Ngữ chận tôi và Quang lại với vẻ mặt hầm hầm tức giận, trợn mắt nhìn trừng trừng vào hai đứa tôi: “Tại sao hai đứa bay đánh thằng Ngữ mạnh quá vậy?…”. Tôi và Quang ú ớ hoảng sợ và nhìn trên má của Ngữ, thấy có dấu đỏ của mấy ngón tay…Quang thậm thụt trả lời “dạ… mấy anh huynh trưởng bảo tụi con phải đóng như thật…”. Ông già của Ngữ bỏ đi vào đám đông. Mấy hôm sau ông già của Ngữ nhắn hai chúng tôi đến nhà cho ăn một bữa khoái khẩu!

Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang: Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Đàlạt kích thích óc mạo hiểm của chúng tôi. Trong nhiều chuyến thám du vào tận những nơi mà dân thành thị không bao giờ dám đặt chân đến, nhiều khi hai ba đứa rủ nhau đi riêng lẻ chứ không phải đi cắm trại với Hướng Đạo.Đối với ngọn núi Lang bian mà dân Đàlạt thường gọi là núi Bà thì chúng tôi đã từng lên tận đỉnh của ngọn núi cao năm bảy lần,không đi theo đường mòn hoặc đường bậc cấp có từ năm 1956 do ty công chánh Đàlạtlàm để cho tổng thống Ngô Đình Diệm lên thăm đỉnh Langbian. Mùa hè năm 1963 không hiểu do tin từ đâu mà làn sóng người từ Sàigòn, Miền Trung, Miến Tây ùn ùn kéo về Đàlạt rồi lên tận Núi Bà lấy “nước” về chữa bệnh. Người ta kéo nhau đi bất kể ngày đêm leo lên tận đỉnh rồi xuống phía bên kia núi lấy nước, sau đó leo lên lại đỉnh rồi xuống núi trở về. Thấy vậy một số anh em Hướng Đạo chúng tôi cắm trại ở Núi Bà để giúp đưa người lên núi xuống núi. Chúng tôi chia nhiều nhóm giúp bà con lên xuống núi,tháng năm tháng sáu ở Đàlạt là mùa mưa nên chúng tôi cũng khá vất vả nhưng hết sức vui. Không biết “nước thánh nước thần” có chữa bệnh được cho ai không chứ thấy thiên hạ bỏ công bỏ tiền để lặn lội mang về những chai nước đỏ ngầu cáu bẩn chúng tôi cũng ái ngại ra mặt. Những địa danh như Suối Tía, Núi Voi, Cam Ly Thượng, Mang Linh, Số Chín, Suối Vàng, Suối Bạc, Ankroet, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Krongpha… không nơi nào không có dấu chân chúng tôi. Có một lần vào sáng sớm chủ nhật, Quang đạp chiếc xe “court” đến nhà tôi và rủ tôi cùng đạp xe lên hướng núi Bà để vào buôn Thượng cửi ngựa. Tôi đồng ý.Chúng tôi ghé quán mua mấy ổ bánh mì và mấy bịch muối đem theo. Tôi cũng có một chiếc xe đạp “court”, hai đứa phóng lên ngựa sắt hướng về chân núi Langbian.Chúng tôi đến buôn Mang Linh và thấy hai người đàn ông đang phác cỏ xén bờ nương với những chiếc “xà gạc”, chúng tôi chào hỏi nói chuyện và cho biết chúng tôi muốn thuê ngựa để cửi. Chúng tôi đưa mỗi người hai ổ bánh mì và hai bịch muối. Hai người đàn ông đi ra phía bìa rừng dắt hai con ngựa, buộc khớp và dây vào mồm rồi vẫy tay gọi chúng tôi đến giao hai con ngựa. Họ dắt hai chiếc xe đạp vào dựng ở dưới nhà sàn.Những con ngựa của người Thượng không to cao và đẹp như những con ngựa của Trường Võ Bị Đàlạt mà chúng tôi thường thấy nên chúng tôi nắm bờm leo lên lưng chúng khá dễ dàng. Không có yên ngựa, không có vòng để chân nên chúng tôi chỉ dám để cho ngựa đi lửng thửng, muốn ngựa chạy nhanh hơn cũng chẳng biết phải làm sao, cương ngựa là một đọan dây thừng,nắm dây giật giật cũng chỉ làm cho chúng ngoẹo cổ qua bên trái rồi ngoẹo qua phải mà thôi, nếu giật hai bên dây cùng một lúc thì chúng dừng lại. Dùng chân húc mạnh vào bụng cũng vô ích. Chúng tôi đành buông cương chịu trận để chúng đi cứ đi tà tà băng qua mấy ngọn đồi cỏ xanh, hết đồi này sang đồi khác. Đi khoảng gần một tiếng đồng hồ,từ trên đồi nhìn xuống chúng tôi thấy một hồ nước rộng mênh mông. Thì ra đó là hồ Suối Bạc, tức là hồ lớn cách đập Suối Vàng khoảng hơn một cây số. Chúng tôi quyết định thả hai con ngựa cho chúng tìm đường chạy về Mang Linh và bắt đầu một trò khác: chèo thuyền. Thấy một chiếc thuyền bềnh bồng ở mạn hồ, quan sát không thấy có ai gần đó, chúng tôi bước xuống chiếc thuyền dài khoảng hơn hai mét, rộng hơn một mét với một chiếc dầm chèo ở trong lòng thuyền. Bẻ thêm một nhánh cây làm dầm chèo,chúng tôi nhắm hướng bên kia hồ để chèo tới. Chúng tôi lấy bánh mì ra ăn rồi tiếp tục chèo gần cả tiếng đồng hồ mới bước lên bờ bên kia. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú vì đi thêm một khoảng xa vài trăm thước thì thấy xác bốn năm chiếc xe jeep nhà binh đã sét rỉ nằm ngổn ngang dưới đám cỏ cao. Lấy làm lạ, chúng tôi đến gần đển hìn thì thấy bên hông xe có ghi mấy hàng chữ mà chúng tôi đoán là chữ Nhật. Điều này được xác nhận là đúng khi trở về hỏi những người lớn tuổi, họ cho biết đó là một trong những căn cứ của Nhật, nơi đây, một mặt quân đội Nhật dùng để dấu vũ khí, một mặt chúng đi tìm vàng. Không hiểu có ai từng đến đảo này chưa sau khi quân đội Nhật rút lui nhưng khi hai đứa tôi tình cờ mạo hiểm đến đó thì nơi này hoàn toàn hoang vắng, không một dấu tích gì cho biết là có người thường đến. Về sau chúng tôi cũng nghe được một số câu chuyện về những địa điểm bí mật mà quân đội Nhật đã xây dựng những cơ sở quân sự nhiều nơi ở Đàlạt để yểm trợ cho việc tìm kiếm mỏ vàng. Tôi và Quang cứ thế tò mò đi hết khu này sang khu khác và thấy rất nhiều dụng cụ bằng kim loại hư sét, những đống đồ vụn khắp nơi không định hình được thứ gì ra thứ gì cả. Gió ở hồ lùa vào đảo khiến chúng tôi cảm thấy lạnh nên quyết định rời đảo. Nhắm hướng cũ chèo thuyền trở lại nhưng chúng tôi không ngờ là khi chèo về bị ngược gió, mãi lay hoay với một chiếc dầm và một khúc cây, chiếc thuyền bé xíu không di chuyển được bao nhiêu trên hồ ngược gió.Hai đứa càng chèo càng thấm mệt và bắt đầu lo sợ. Nếu không về được bên kia trước khi trời tối thì rất nguy, có thể gió mạnh làm thuyền dạt lui vào đảo. Trời tối làm sao trở lại Mang Linh để lấy xe đạp! Còn một điều nữa là hai con ngựa, không hiểu đã về buôn hay chưa? (Chúng tôi biết được rằng loài ngựa dù bị đưa đi xa hằng trăm cây số vẫn nhớ đường về). Chúng tôi bảo nhau là phải liên tục chèo mới trở về được. Bụng đói, gió lạnh nhưng cũng toát mồ hôi vì sợ! Cuối cùng thì chúng tôi lên được bến cũ, nhắm hướng về chân Núi Bà chạy bộ về buôn Mang Linh khi trời đã ngả về chiều. Thấy hai con ngựa đứng ở bãi cỏ trước mấy ngôi nhà sàn, chúng tôi yên tâm nhìn nhau cười mừng ra mặt. Mấy người Thượng thấy chúng tôi về và thấy cả hai con ngựa nên họ đều cười vui vẻ. Leo lên xe đạp thì mới thấy đói lả, muốn dừng lại hái vài trái dưa leo bên bờ nương để ăn nhưng không dám vì chúng tôi từng nghe rằng nếu ăn cắp bất cứ thứ gì của người Thượng sẽ bị “thư”. Cũng may dọc đường sau đó nhặt được mấy củ cà rốt nhỏ do xe ngựa chở rau cải từ các nhà vườn đánh rơi. Chúng tôi phủi sạch đất và nhai một cách ngon lành. Đạp về đến Dòng Chúa Cứu Thế thấy dưới phố Đalạt đã lên đèn.

Năm Anh Em:Thời gian đầu Quang là đội sinh của tôi sinh hoạt chung trong thiếu đoàn Lê Lợi nên rất thân. Sự lanh lợi tháo vát,tinh thần kỹ luật và kỹ năng Hướng Đạo rất cừ nên được các Trưởng mến và thường giao cho nhiều trọng trách trong đoàn. Thiếu đoàn Lê Lợi là một thiếu đoàn có nhiều Hướng Đạo Sinh giỏi. Ngoài việc trông coi Đội và giúp đoàn, chúng tôi cũng chơi thân với một số HĐS khác đơn vị. Chúng tôi thường tụ tập tại nhà sàn ở phía sau, nơi đây là giang sơn của Quang, chúng tôi dù có quậy phá đến đâu cũng không làm phiền đến Ông Bà Cụ của Quang. Hai Cụ cũng thương yêu tụi tôi nhất mực. Cậu em trai út của Quang – Nguyễn Đức Vinh ít khi được đặt chân lên nhà sàn mặc dầu khi đó Vinh cũng là một Sói Con. Năm 1962, Quang và một người bạn thân khác là Đoàn Chiêm cùng phụ tá cho anh Nguyễn Ngọc Phước là bầy trưởng bầy Ngàn Thông. Đồng thời với bầy trưởng bầy Lê Lai là Hà Thái Trường và tôi lúc đó là thiếu phó thiếu đoàn Lê Lợi, nămanh em chúng tôi sinh hoạt rất gắn bó và thương mến nhau. Để tình anh em ngày càng bền chặt, chúng tôi quyết định “kết nghĩa” để dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng không rời bỏ nhau. Một buổi tối, trong căn nhà sàn của Quang, ngoài năm anh em còn có sự hiện diện của một số bạn, đặc biệt là các bạn Nữ Hướng Đạo thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với chúng tôi trong đó có cả người yêu của Quang. Chúng tôi, mỗi người tự viết tên và ngày tháng năm sanh của mình vào một mảnh giấy và gấp lại. Sau đó một cô bạn tuần tự mở các mảnh giấy và đọc ngày sanh tháng đẻ của từng người để biết thứ tự ai huynh ai đệ. Kết quả thứ tự anh em như sau: Nguyễn Ngọc Phước, Hà Thái Trường, Đoàn Chiêm, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Đức Quang. Từ đó trở đi chúng tôi luôn có mặt bên nhau trong mọi công việc và một người cần thì bốn người khác đều có mặt. Đời sống Hướng Đạo đã tạo cho chúng tôi thành những người thân thiết như anh em ruột thịt. Chúng tôi “cố gắng” giữ mối dây liên hệ anh em có được trong thời tuổi trẻ cho đến mãi về sau dù mỗi người một nơi, mỗi người một công việc. Tôi và Quang có nhiều thời gian sinh họat với nhau hơn ba Trưởng đàn anh. Năm 1963 anh Nguyễn Ngọc Phước đi Thủ Đức và tử trận năm 1969, anh Hà Thái Trường đi Thủ Đức năm 1966 và tử trận năm 1973, anh Đoàn Chiêm vẫn còn ở Đàlạt, Quang vượt biên và đến Mỹ 1981, năm 1992 tôi cũng qua Mỹ theo diện tị nạn. Hôm Nguyễn Đức Quang nằm xuống, người bạn gái ngày xưa của Quang định cư ở California gọi cho tôi nhắc lại chuyện “Năm Anh Em” và cô khóc…

Quái Kiệt Ăn Uống: Lúc còn trẻ Quang và tôi thuộc loại gầy. Câu tục ngữ rất đúng trong trường hợp của chúng tôi là “Gầy Thầy Cơm”. Nói ra xấu hỗ! Không hiểu cơ duyên nào lại đưa đẩy cho chúng tôi gặp nhau cùng với Đoàn Chiêm đã trở thành những tay cự phách về ăn uống của Hướng Đạo Lâm Viên. Bình thường trong gia đình, tôi cũng xơi đến bảy tám bát cơm rồi. Nhà nghèo, thức ăn chẳng có món ngon món lạ nên cơm là chính. Hơn nữa ở lứa tuổi đang lớn và hoạt động nên ăn uống thiếu phần “khiêm nhường” cũng là điều chẳng có gì lạ! Quang và Chiêm cũng vậy. Chúng tôi mỗi lần ghé nhà nhau là các Cụ biết ý lấy thêm gạo cho vào nồi. Điều đáng nói ở đây là khi Quang và Chiêm ghé nhà tôi hoặc Quang và tôi ghé nhà Chiêm thì chúng tôi ăn thoải mái nghĩa là các Cụ không o ép vì biết chúng tôi ăn rất “thật tình”.Trái lại khi Chiêm và tôi ăn cơm nhà Quang thì Bà Cụ ngồi gần chỗ chúng tôi để “canh me”. Canh me cái gì? Canh me hễ chúng tôi vừa sạch chén là Cụ giành lấy để lấy cơm cho chúng tôi. Vừa lấy cơm, Cụ vừa dùng muỗng ấn cơm xuống cho chặt và bên trên chén thì vun cao lên. Vậy nên khi ăn đến chén thứ ba thì chúng tôi đã thấy quá vững bụng. Nhiều lần chúng tôi bị ép xơi đến những năm sáu chén như thế. Nhớ lại không khỏi hãi hùng.
 Mùa hè năm 1961 thiếu trưởng thiếu đoàn Lê Lợi là Trưởng Lê Thuần đậu khóa Bằng Rừng nên mừng đãi một số Trưởng và vài đoàn sinh chúng tôi. Có Trưởng Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Minh Hoàng và ba anh em chúng tôi Chiêm - Châu - Quang. Buổi sáng Trưởng Thuần dắt đến tiệm mì quảng Tân Bình ở con hẽm đường Phan Đình Phùng gần rạp ciné Ngọc Hiệp. Mỗi người một tô,ăn xong Trưởng Thuần bảo “mấy chú ăn nữa đi”. Ba đứa nhìn nhau cười, ba tô nữa. Ăn hết tô thứ hai, Trưởng Võ bảo “mấy chú ăn nữa đi”. Tô thứ ba đưa ra. Chúng tôi “lặng lẽ làm láng”. Trưởng Hoàng vừa cười vừa bảo:“mấy chú ăn nữa đi” (Trưởng Hoàng là người biết chúng tôi thuộc những tay hảo hớn vế ăn uống). Tô thứ tư. Và cứ thế, các Trưởng có ý thách thì chúng tôi cũng cứ bình tĩnh xơi cho đến tô thứ bảy mới chấm dứt buổi ăn sáng hôm đó! Kể từ đó chuyện ăn uống kiểu “Tạ Hồ Đôn” của chúng tôi được loan truyền nhanh chóng trong Đạo Lâm Viên …
 Một lần ăn uống nhớ đời khác nữa là mùa hè năm 1962 anh Nguyễn Ngọc Phước mở khóa huấn luyện dự bị cho các Trưởng ngành Ấu của Đạo Lâm Viên tại trại trường Tùng Nguyên cạnh Hồ Than Thở. Hà Thái Trường, Đoàn Chiêm và Nguyễn Đức Quang tham dự trại vì họ sinh hoạt ngành Ấu. Tôi sinh hoạt ngành Thiếu nhưng do sự rủ rê của ba người anh em nên tôi cũng ghi danh dự trại trong vòng ba ngày. Kỷ luật và giờ giấc của những trại huấn luyện lúc nào cũng chặt chẽ nên chúng tôi rất vất vả vì bị “hành” tối đa. Ngày thứ ba của trại như thường lệ là chúng tôi dự các giảng khóa do các Trưởng phụ trách, đến gần mười hai giờ trưa thì Trưởng trực thông báo là giảng khóa sẽ chấm dứt vào lúc mười hai giờ và đúng một giờ trại sinh phải có mặt để tham gia trò chơi cuối trại. Như vậy, chúng tôi có đúng sáu mươi phút để nấu nướng ăn uống cho xong, nếu Đàn nào tập họp trễ sẽ bị trừ điểm. Phải nói rằng chúng tôi cũng thuộc hàng những Hướng Đạo Sinh tài ba về nấu ăn ngoài trời.Vì quá đói, chúng tôi nấu một nồi cơm thật lớn và làm thức ăn xong trong vòng 45 phút, còn 15 phút để ăn cho kịp giờ tập họp. Thế là bốn anh em chúng tôi sau khi làm thủ tục “đứng trước cơm canh…”rồi mời nhau cùng ăn. Hà Thái Trường là người ăn xong sớm nhất với chỉ năm hoặc sáu chén mặc dầu anh cũng “gầy “ như tôi và Quang. Vừa ăn Trường vừa đếm xem ba đứa chúng tôi ăn mỗi đứa bao nhiêu chén.Ba đứa ăn rất nhanh và khi cơm trong nồi không còn nữa thì Trường cho biết rằng mỗi đứa trong chúng tôi xơi được mười sáu (16) chén! Thực ra thì chúng tôi đã ăn quá tải so với những bữa ăn khác. Vừa xong bữa ăn vội vã thì tiếng còi tập họp đã vang lên từ phía dưới Hồ Than Thở. Bốn anh em xách cờ chạy xuống điểm trình diện. Các Đàn khác cũng có mặt. Bắt đầu trò chơi, mỗi Đàn nhận một chiếc thuyền nhỏ để chèo đến trạm thử thách đầu tiên. Chiếc thuyền nhỏ với hai chiếc dầm nên hai đứa chèo và hai đứa dùng tay khoát nước ra phía sau để giúp cho thuyền chạy nhanh hầu vượt qua các chiếc thuyền của các Đàn khác. Có ngờ đâu những chiếc dầm tay làm cho thuyền chòng chành,lúc nghiêng qua phải lúc nghiêng qua trái.Tiếng hò hét để tự cổ vỏ càng làm cho thuyền đi chậm thêm, có lúc quay mũi thuyền trở lại. Thế rồi thuyền bị quay xà mòng và đứa nào cũng mệt vì có ba cái bụng vô cùng nặng nề. Càng cố chèo thuyền càng lạc hướng, quay vòng vòng rồi lật úp! May mà gần chỗ cạn nên Hà Thái Trường lội vào bờ được vì Trường không biết bơi. Coi như Đàn chúng tôi đã biết kết quả khi trò chơi mới bắt đầu. Đó là do hậu quả của mười sáu chén cơm mà ba đứa đã ăn như những con ma đói!
 Anh Nguyễn Ngọc Phước là anh cả và có gia đình nên không tham gia các trò láo lếu và vui nhộn của chúng tôi. Năm 1964 trên Hồ Xuân Hương xuất hiện ba chiếc thuyền gỗ lớn sơn ba màu Hướng Đạo vàng xanh-đỏ. Những chiếc thuyền này là sở hữu của Trưởng Lê Phỉ, hiệu trưởng trường Việt Anh giao cho chúng tôi quản lý. Bốn anh em chúng tôi thường chèo thuyền lên tận phía Cầu Sắt gần vườn ương hoa thành phố, ban đêm bất kể trăng tối trăng sáng chúng tôi thường lên thuyền chèo ra giữa hồ hát hò cùng với các bạn Hướng Đạo. Kỷ niệm độc đáo nhất của bốn anh em chúng tôi tại đạo quán Hướng Đạo Lâm Viên là ngày Tết Đoan Ngọ bắt vịt trên Hồ Xuân Hương (2)

Buồng Chuối Ấp Xuân Thành: Nhà Đoàn Chiêm ở Ấp Xuân Thành tức Trại Mát, cách Đàlạt khoảng chục cây số, từ ngoài đường nhựa đi thêm gần hai cây số nữa mới đến nhà ở sâu bên trong rừng. Đoàn Chiêm lên Đàlạt học, có lúc ở nhà người bà con, có lúc Trưởng Hướng Đạo Lê Phỉ cho ở trong trường Việt Anh, có lúc ở trong căn nhà Đạo Quán của Hướng Đạo Lâm Viên với tôi và Hà Thái Trường. Một ngày vào mùa hè năm 1965 chúng tôi được Đoàn Chiêm rủ về nhà ăn đám giỗ. Lần đó ngoài tôi và Quang còn có anh Thông là cậu của chị LTC và hai người bạn nữ là NKA và BTB. Cũng cầnnhắc lại là bộ ba NKA-BTB-LTC đều là nữHướng Đạo mà chúng tôi thường gọi là bộba ABC. Chúng tôi đi bằng xe đò rồi lội bộvào khoảng hơn mười giờ sáng chúng tôiđến nhà bố mẹ của Đoàn Chiêm. Sau khi chào hỏi, chúng tôi rủ nhau ra phía sau nhà để thăm vườn có nhiều cây ăn trái như chuối, mận, nào ổi, cam, chanh, quýt…Chúng tôi sục sạo tìm những trái nào ăn được là hái thoải mái. Phá phách được một lát thì mẹ của Đoàn Chiêm gọi chúng tôi vào nhà. Chúng tôi riu ríu vố nhà vì tưởng rằng sẽ bị rầy vì tội hái phá trái cây trong vườn.Nào ngờ đâu khi vào đến nhà thì thấy bà cụ đã để sẵn một buồng chuối sứ trên bàn và bảo chúng tôi ăn. Chuối ở vườn bà cụ chặt vào dú đã ba bốn hôm, nay đã chín. Bà cụ phán “mấy đứa bây ráng mà ăn cho hết buồng chuối đó nghen”. Bà cụ vừa nói vừa cười và chúng tôi cũng hiểu là cụ chỉ nói đùa mà thôi. Ba đứa chúng tôi (Chiêm-Châu-Quang) nhìn nhau cười, Nhìn buồng chuối vừa chin tới, trái chuối mập,vỏ chuối vàng đều từ nải thứ nhất cho đến nải thứ năm. Chúng tôi bắt đầu ra tay. Anh Thông ăn được hai trái rồi ngưng. A và B mỗi người một trái. Năm nải chuối, mỗi nải có khoảng trên dưới mười trái. Ba chúng tôi từ tốn bóc chuối ra ăn, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Mẹ của Chiêm và những người trong gia đình lo việc nấu nướng và cúng kiến.Khi nhang cúng vừa tàn thì ba chúng tôi cũng vừa thanh toán xong buồng chuối. Kế đó mẹ của Chiêm cho chúng tôi được cho ngồi vào một bàn riêng để ăn vì sợ chúng tôi ngại ngùng không dám ăn! Buồng chuối đã giải quyết được nửa bụng của chúng tôi…

Trứng Gà Scala: Cư dân Đàlạt biết đến trại gà Scala của Dòng Chúa Cứu Thế như là trại gà đầu tiên ở Đàlạt nuôi theo phương pháp công nghiệp để cung cấp thịt và trứng cho một số đơn vị thuộc quân đội Hoa Kỳ đóng ở Cam Ranh và Nha Trang. Ban Trầm Ca lúc ở Sàigòn lúc về Đàlạt, khi có mặt ở Đàlạt chúng tôi thường gặp các nhóm bạn bè, đặc biệt là những nhóm anh em thuộc Viện Đại Học Đàlạt mà trong đó có nhóm của thầy Nguyễn Tiến Lộc cũng là một Trưởng Hướng Đạo và thầy Nguyễn Đức Mầu khi đó chưa thụ phong linh mục.Chúng tôi được mời đến Dòng Chúa Cứu Thế để sinh hoạt cũng giống như đến sinh hoạt với những nhóm khác nhưng có điều đặc biệt là đáp lại, chúng tôi được nghe những bài hát do thầy Tiến Lộc và Đức Mầu sáng tác mà giai điệu và lời ca vượt ra ngoài âm hưởng của các bài Thánh Ca mà chúng tôi thường nghe. Có một lần, sau giờ sinh hoạt, chúng tôi được đưa đi thăm trại gà Scala nằm ở phía dưới chân núi Dòng Chúa Cứu Thế.Trên đường trở lại Nhà Dòng,Trưởng Tiến Lộc xách theo một giỏ trứng gà đem về luộc và mời chúng tôi ăn. Hình như Trưởng Tiến Lộc có nghe đâu đó rằng trong chúng tôi có những “hạm ăn” nên đã luộc hết cả giỏ trứng khoảng năm chục cái!Trứng gà chấm muối tiêu ăn khơi khơi cũng khoái khẩu lạ thường! Có bao giờ chúng tôi được ăn nguyên cái trứng vịt chứ đừng nói chi đến trứng gà! Lại được ăn nhiều! Thế là cả bọn hết sức tự nhiên, vừa ăn vừa chuyện trò râm rang vui vẻ. Ăn khoảng bốn năm trứng thì Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn và Nguyễn Thạc(con giáo sư Nguyễn Đăng Thục, thân hữu Trầm Ca) ngồi nhìn Nguyễn Đức Quang và tôi vẫn tiếp tục ăn với sự khích lệ của Trưởng Tiến Lộc và thầy Đức Mầu. Sau khi hai chúng tôi lùa hết giỏ trứng vào bao tử, Trưởng Tiến Lộc xoa tay cười tuyên bố… Quang và Châu thanh toán trên ba chục trứng!

Dấn Bước Giang Hồ: Khi không còn ngày hai buổi cắp sách đến trường trung học, thì năm anh em chúng tôi cũng không còn cơ hội để sinh hoạt với nhau trừ tôi và Nguyễn Đức Quang. Thời kỳ này hai chúng tôi và một số bạn thân khác cũng đều là Hướng Đạo lập thành một nhóm mới để sinh hoạt song song với sinh hoạt Hướng Đạo, khi đó Nguyễn Đức Quang chính thức là bầy trưởng còn tôi là thiếu trưởng. Các bạn đó làTrần Trọng Thảo, Đinh Gia Lập, Hoàng Thái Lĩnh và Nguyễn Quốc Văn. Căn nhà sàn bằng gỗ của Quang là nơi chúng tôi thường tụ tập vui chơi ca hát.Thành phố Đalạt vẫn là một thành phố khép kín trong sương mù với những dáng nét thiên nhiên hết sức đáng yêu, nhưng chúng tôi muốn nhìn xa hơn khỏi hai ngọn núi Langbian,muốn bơi ra sông ra biển chứ không còn thích chèo những chiếc thuyền con trên Hồ Xuân Hương nữa…
 Sau khi bàn tính và do đề nghị của Trần Trọng Thảo, chúng tôi kéo về Sàigò nnhưng ngặt một nỗi là không có chỗ ăn chỗ ở. Chúng tôi không thể ở nhà của Thảo,thỉnh thoảng kéo nhau đến để Bà Cụ cho ăn một bữa cơm, còn thì mạnh ai nấy đi tìm nhà quen để ở và tự lo liệu lấy. Đinh Gia Lập thi đậu vào Phú Thọ có thuê một căn gác ở Ngả Bảy, chúng tôi lại túm tụ vào đấy nhưng rồi cũng có nhiều bất tiện. Hoàng Thái Lĩnh lúc đầu ghi danh học ở Sàgòn và ở nhà bà con trên đường Nguyễn Huệ, chúng tôi thường đến chơi với Lĩnh trên căn phòng ở lầu năm lầu sáu. Ba đứa lêu bêu nhất trong nhóm là Quang, Văn và tôi. Đầu tiên chúng tôi tìm đến chơi với các nhóm Hướng Đạo mà chúng tôi quen và cùng nhau ca hát và dự các trại Hướng Đạo. Được sự mến mộ và giới thiệu của bạn bè, chúng tôi được tiếp xúc nhiều hơn với nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt là giới sinh viên. Đại học kiến trúc là nơi chúng tôi có buổi sinh hoạt đầu tiên tại khuôn viên trường ở đường Duy Tân khi vụ xung đột diễn ra giữa sinh viên và nhà trường. Chúng tôi có mặt để sinh hoạt ở Sàigòn vài tuần rồi trở về Đàlạt cũng để tham gia những sinh hoạt với các nhóm bạn ở đại học Đàlạt. Hoàn cảnh sống lêu bêu của chúng tôi sau đó có thay đổi vì những cơ duyên hi hữu.
Từ Chuồng Cu Đến Garage: Bố của Thảo là một huynh trưởng Hướng Đạo kỳ cựu lúc đó đang làm việc tại văn phòng Hội Hướng Đạo Việt Nam ở số 18 Bùi Chu quận nhất,thấy hoàn cảnh lêu bêu của mấy anh em chúng tôi nên đã thu xếp cho chúng tôi được ở tạm trên chuồng cu của trụ sở hội, nơi để bàn ghế lều trại và các dụng cụ Hướng Đạo.Lập và Lĩnh cũng kéo về đây. Buổi sáng chúng tôi rời chuồng cu sớm và tối mới trở về để ngủ, trong ngày chúng tôi không được ra vào chỗ trọ! Chúng tôi đi sớm về khuya đã khiến cho một số Trưởng trong hội không bằng lòng nên quyết định mời chúng tôi đi chơi chỗ khác. Lại lêu bêu tiếp cho đến khi khi chúng tôi kéo nhau đi dự trại công tác xã hội ở Công Trường Thanh Niên Tự Do Thạnh Lộc Thôn. Trong trại này, chúng tôi làm việc như bao nhiêu trại sinh khác, đêm về chúng tôi quay quần bên nhau ca hát và được nhiều trại sinh cùng đến tham dự.Chúng tôi trình diễn những bài dân ca quan họ Bắc Ninh, các bài nhận thức và sinh hoạt do Quang sáng tác, hướng dẫn cho trại sinh những trò chơi và tập cho họ hát… Nhóm chúng tôi nổi bật trên Công Trường Thanh Niên Tự Do. Sau đêm sinh hoạt cuối của trại, một trong những thành viên ban tổ chức đến tìm gặp chúng tôi hỏi chuyện và bày tỏ sự hâm mộ của anh đối với chúng tôi. Anh hỏi nguồn gốc lai lịch và đời sống của nhóm. Sau khi nghe tình cảnh khó khăn của nhóm, anh có đưa ra đề nghị là sẽ tìm cho chúng tôi một chỗ ở tạm tại Sàigòn để tiếptục sinh hoạt. Sau trại, anh tìm chúng tôi và báo cho hay là anh đã tìm cho chúng tôi được một chỗ ở, đó là garage của dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ ở số 114 Sương Nguyệt Anh. Người tìm cho chúng tôi nơi ở và cũng là một trong những người tận tình tận lực yểm trợ chúng tôi không ai khác hơn là anh Đỗ Ngọc Yến, một Trưởng Hướng Đạo. Có thể nói rằng hai anh Hoàng Ngọc Tuệ và Đỗ Ngọc Yến là những người đã cưu mang chúng tôi và là tác nhân chính trong việc vận động để hình thành Phong Trào Du Ca sau này.
Đường Sương Nguyệt Anh: Sàigòn có những con đường được coi là đẹp. Đẹp không phải vì đường lớn hay có nhiều dinh thự đồ sộ. Cũng không phải đẹp vì có phố xá đông vui tấp nập. Đẹp vì con đường trải dài trong một khoảng không gian im ắng, trầm khuất được che phủ bằng những hàng cây cao và các ngôi nhà khiêm tốn nằm ẩn mình trong những tiếng động vọng lại từ trung tân thành phố. Sương Nguyệt Anh là con đường ngắn nằm giữa hai đường Lê Văn Duyệt và Bùi Chu là một trong vài con đường mà chúng tôi cho là đẹp. Đứng ở đường phía Lê Văn Duyệt nhìn thấy đường Bùi Chu.Những ngôi nhà trên con đường này tuy khiêm tốn nhưng cũng thuộc loại “kín cổng cao tường”, không có tiệm buôn hay hàng quán trừ một tiệm ăn có che thêm mái tôle thấp ở đầu đường giáp với đường Lê Văn Duyệt của một người Tàu mà chiều chiều ông ta ngực trần quần xà loỏng đứng trước những cái chảo phừng phực lửa nấu những món ăn rất ngon mà trong suốt thời gian làm cư dân Sàigòn “không sổ gia đình”, chúng tôi cũng có ghé lại khi rủng rỉnh đôi chút.Block gồm năm căn trong đó có nhà dược sĩHoàng Ngọc Tuệ. Phía trái của căn số 116có một lối bên hông rộng để cho xe hơi chạyvào dãy garage ở phía sau.
 Khi anh Đỗ NgọcYến giới thiệu nhóm chúng tôi với dược sĩ Hoàng Ngoc Tuệ thì anh Tuệ lúc ấy đang còn trong quân đội phục vụ tại Pleiku và sắp giải ngũ. Anh Đỗ Ngọc Yến xin anh Tuệ cho chúng tôi ở trong garage nhưng khi anh Tuệ gặp chúng tôi thì ngoài việc anh cho chúng tôi xử dụng garage, anh còn cho chúng tôi ở một góc nhà phía sau gần cầu thang lên lầu. Nơi đây anh Tuệ đã từng dùng để dạy kèm cho sinh viên đại học dược khoa. Trong nhà còn có anh Trọng là em anh Tuệ ở phía dưới, trên lầu là nơi ở của chị Quỳ là em; Thảo, Quy và Xuân là cháu anh Tuệ. Chúng tôi đã có một chỗ ở ổn định ngoài dự liệu và một nơi sinh hoạt rất thuận tiện. Chúng tôi được toàn quyền xử dụng cái không gian cho phép để làm chỗ đi về ngủ nghê. Nơi này có sẵn một chiếc divan, một ghế bố xếp, mấy chiếc ghế và một tủ đựng quần áo có nhiều ngăn. Cả sáu đứa chúng tôi thực sự chấm dứt những ngày lêu bêu ở Sàigòn để sắp xếp công việc và đời sống hầu tiếp tục theo đuổi con đường phiêu lãng đã định mà Nguyễn Đức Quang là Con Chim Đầu Đàn.
 Khi cho chúng tôi xử dụng garage, anh Tuệ đậu xe ở trước nhà. Đã có một chỗ ở “ngon lành”, chúng tôi lo sửa sang quét dọn lại garage cho tử tế để làm nơi sinh họat và tiếp đón bạn bè. Garage mỗi bề khoảng ba mét có mái tôle, cửa garage làm bằng những nẹp gỗ đơn sơ. Chúng tôi kiếm được mấy cái ghế sắt, một chiếc bàn cũ bỏ vào garage rồi quét vôi lại cho sạch sẽ. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tiếp bạn bè hoặc tổ chức những buổi sinh hoạt bỏ túi ở phòng khách nhà anh Tuệ cho các bạn thân từ Đàlạt xuống, đặc biệt là các bạn là sinh viên Đại Học Đalạt. Biết chúng tôi đã có chỗ ở nhất định nên bạn bè đến thăm viếng càng ngày càng đông, lại có những người đến ở với anh em chúng tôi một hai hôm, năm ba hôm là chuyện thường. Vài người bạn ở Đàlạt về Sàigòn không có chỗ trọ thì ghé với chúng tôi. Vì cần có thêm chỗ cho bạn bè ở lại nên chúng tôi mua vật liệu để tự làm một cái gác lửng ở garage. Kể từ đó lúc nào cũng có bạn bè đến chơi và ở lại.

Gia Đình Trầm Ca: Ngoài việc đi “Du Ca” khắp bốn vùng chiến thuật, tham dự các trại công tác xã hội, chúng tôi sắp xếp lại đời sống cho tươm tất hơn. Chúng tôi đồng ý giao trọng trách “quản gia” cho Trần Trọng Thảo vì Thảo vốn là dân Sàigòn, rành đường đi nước bước. Tiền bạc giao cho Thảo quản lý và toàn quyền quyết định mọi chi tiêu của anh em kể cả việc ăn uống hàng ngày hay mua sắm các vật dụng cần thiết. Thảo sắm cho anh em mỗi đứa hai bộ bà ba đen, hai quần kaki màu vàng và hai chemise trắng.Phương Oanh cũng có hai bộ bà ba đen. Khi đi trình diễn chúng tôi mặc bà ba đen. Thảo giao cho chúng tôi mỗi đứa một ngăn tủ đựng áo quần và luân phiên nhau giặt những áo quần dơ cho cả đám. Quang là người lười có hạng, một bộ đồ mặc hai ba bữa cần thay thì chờ cho lúc anh em đi đâu đó hoặc bận việc thì chàng ta bèn kéo ngăn áo quần của anh em khác lấy ra mặc vì chúng tôi có size áo quần gần như nhau. Khi bị phát hiện thì Quang chỉ cười trừ là xong. Đến phiên Quang phải giặt áo quần thì chàng ta gom lại bỏ vào thau, cho nuớc vào với xà phòng rồi để đó, vài ba ngày sau cả đám hết áo quần mặc mới phát hiện thau áo quần đã lên mốc…Quang lại cười hề hề…Anh em cũng biết Quang chú tâm vào việc sáng tác nên ít khi quan tâm những chuyện khác dù những chuyện ấy có liên quan đến Quang. Mọi chuyện đều do Thảo và anh em khác lo...
 Thảo tìm được một quán cơm bình dân ngay góc đường Bùi Thị Xuân và Ngô Tùng Châu mà chúng tôi gọi là “Quán Chị Tư”. Từ Sương Nguyệt Anh đến quán cơm chỉ mất độ năm phút đi bộ. Lúc đầu chúng tôi thanh toán tiền ăn từng bữa, nhưng nhiều lúc kẹt tiền phải ghi nợ, mãi rồi chị Tư xem bọn tôi như người nhà nên lúc nào trả tiền ăn cũng được, không bao giờ chị đòi tiền hoặc nhắc nhở tiền bạc với chúng tôi, có nhiều lần chúng tôi đi đâu về trễ quán đã đóng cửa thì chị cũng nấu cơm cho chúng tôi ăn mà không ghi sổ. Mãi rồi chị coi chúng tôi như những đứa em trong gia đình. Những ngày giỗ tết chị mời chúng tôi đến dự với những bữa ăn đặc biệt ngon… Chị và mấy người em trong gia đình mến chúng tôi vì chúng tôi vui vẻ và chị biết chúng tôi đang học tại Đalạt và về Sàigòn ca hát. Sau năm 1975 tôi và Thảo có ghé thăm chị một lần thì chị cho biết lúc đó nhà chị có chứa VC, những ông nằm vùng này hỏi chị về gốc gác của chúng tôi nhưng chị cũng chỉ biết chúng tôi là sinh viên đi sinh hoạt ca hát vì rất nhiều lần chúng tôi đến quán với những bộ bà ba đen – dĩ nhiên là có cây đàn. Khi chúng tôi nợchị hai ba tháng liền tiền ăn mà vẫn chưa có tiền trả thì anh Đỗ Ngọc Yến biết được lại xuất tiền cho Thảo để thanh toán cho chị Tư.Ngoài số tiền của mỗi anh em đóng góp,thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhận được vài món tiền tặng làm lộ phí khi đến sinh họat với các cơ quan thông tin văn hóa Hoa Kỳ.Riêng Phuơng Oanh thì có gia đình ở Sàgòn nên đến sinh hoạt, tập hát, đi đây đi đó với chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có ăn cơm chung ở quán chị Tư.
 Chúng tôi cũng làm một tờ báo inronéo lấy tên Phù Sa để trình bày quan điểm của nhóm khi đã định hình được mục đích và phương pháp làm việc. Một số thân hữu tại Sàgòn giúp phần đánh máy và trình bày,bìa báo được làm cliché hai màu và in tại một nhà in nhỏ ở đường Ngô Tùng Châu.Phần lý thuyết Du Ca do Châu và Lĩnh phụ trách, Quang lo phần sáng tác nhạc, anh em khác trông coi kỹ thuật và chạy tiền để in.Phần thơ văn cũng đều do anh em viết. Tờ Phù Sa chỉ ra được bảy số rồi khai tử, lý do hết tiền!
 Năm 1967 có cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.Trong khi chúng tôi sống ở Sàigòn tại nhà anh Tuệ, nhiều bạn bè thời trung học cũng ghé lại sinh hoạt, thăm viếng.Trong số đó có Trương Sỹ Thực đang học ở Phú Thọ. Thực có quen với gia đình ông Nguyễn Đình Quát là một nhân vật mà tên tuổi dính liền với các đồn đìền cao su ở Miền Nam. Thực theo một trong các cô con gái của ông Nguyễn Đình Quát. Ông Quát là thụ ủy một liên danh để ra ứng cử vào chức vụ tổng thống, đối đầu với liên danh của ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Một hôm Thực đến chơi và đề nghị chúng tôi giúp đi dán bích chương quảng cáo cho liên danh của ông Quát với một số thù lao.Chúng tôi đồng ý. Hôm sau Thực chở một đống bích chương, một thùng hồ và mấy cây cọ lớn đến giao cho chúng tôi với số tiền đủ trả cho ba tháng cơm “Quán Chị Tư”. Ngay tối hôm đó sáu đứa chúng tôi hì hục ôm một số bích chương, khiên thùng hồ và mấy cây cọ đến những nơi không có đèn đường và các con hẻm tối om quanh khu vực đường Sương Nguyệt Anh, Bùi Chu, Bùi Thị Xuân… để dán vào những gốc cây và tường nhà. Chúng tôi chỉ dán được khoảng một phần tư, còn bao nhiêu cất kỹ. Chiều hôm sau Trương Sỹ Thực đến với bộ mặt hầm hầm hỏi tụi tôi dán bích chương chưa thì chúng tôi nói xong rồi. Thực bảo… “mấy ông dán có mấy tờ mà toàn là dán trong hẻm tối hù ai thấy được…”. Chúng tôi chỉ biết cười trừ chứ chẳng biết nói sao hơn. Chắc chắn Trương Sỹ Thực mất điểm với ông Nguyễn Đình Quát có mấy cô con gái từ dạo đó. Cũng cần nhắc lại vụ mấy người con gái ông Quát lái xe hơi đi chơi Vũng Tàu và xe lao xuống cầu Rạch Hào chỉ còn một người sống sót.
 Thời gian lưu diễn khắp nơi chúng tôi nhiều lần đến với các đơn vị quân đội ở hậu cứ. Có lần trung úy Kham là sĩ quan liên lạc của một chi đoàn thiết giáp đóng ở Định Tường biết chúng tôi đến hát tại sư đoàn 7 trong căn cứ Đồng Tâm nên mời đến trình diễn cho các binh sĩ đang hành quân ở Bến Tre. Khi chúng tôi có mặt tại bộ chỉ huy chi đoàn, thay vì lên xe qua Bến Tre tối hôm đó thì được yêu cầu ở lại để trình diễn cho các sĩ quan tại đây nghe. Chúng tôi gặp mấy phóng viên chiến trường cũng đang chờ lệnh lên đường trong đó có nhà báo Nguyên Vũ.Sau buổi trình diễn chúng tôi được đãi ăn cháo vịt rồi mới trở lại hội trường để ngủ.Vào khoảng ba giờ sáng, trung úy Kham vào hội trường đánh thức chúng tôi dậy để báo tin là lúc hai giờ sáng Việt Cộng đã tấn công đoàn thiết giáp ở Bến Tre. Sáng hôm sau chúng tôi được lên những chiếc hobo để chạy ngắm cảnh sông Tiền Giang. Lại một lần đang trình diễn trong hội trường của một quân trường gần phi trường Phú Bài - Huế thì bị pháo kích. Thính giả toàn là quân nhân và vợ con của họ nên họ liền chạy ra các vị trí chiến đấu, riêng chúng tôi thì cứ lớ ngớ,ra đứng ngay trước cửa hội trường nghe ngóng. Chúng tôi chưa biết súng đạn là gì.May mà không ai dính pháo cả! Dạo chúng tôi trình diễn ra mắt Ban Trầm Ca tại Viện Đại Học Đàlạt vào dịp Lễ Giáng Sinh 1965.Sau vài hôm nghỉ ngơi thăm nhà, chúng tôi theo xe Minh Trung về lại Sàigòn. Xe chạy đến Maragui vào khoảng hai giờ chiều thì bị chận lại bởi mấy nhí du kích xà loỏng dép râu vác AK lùa mọi người vào rừng. Đi khoảng vài trăm mét thì được lệnh dừng lại để trình giấy tờ. Sau khi xem xong (khôngbiết có đọc được hay không!) còn hỏi chúngtôi làm gì. Tất cả trả lời là sinh viên đi họcnên được thả cùng với những người khác, đasố là phụ nữ. Những lần kế tiếp chúng tôi không dám đi đường bộ mà xử dụng máy bay quân sự Mỹ hoặc máy bay của Usaid – Usom do anh Đỗ Ngọc Yến xin. Có lần anh em chúng tôi vào phi trường leo lên một chiếc C47 để về Đàlạt thì nhìn ra cửa máy bay thấy Nguyễn Thạc xách túi đuổi theo máy bay. Thạc là con của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, thân hữu của nhóm có ngón guitar classic rất nhuyển nhất định xin theo ở với nhóm chúng tôi. Ngồi trên máy bay chúng tôi đưa tay vẫy Nguyễn Thạc cho đến khi máy bay cất cánh rời phi đạo. Chúng tôi về nhà sàn của Quang khoảng ba tiếng đồng hồ sau thì đã thấy Nguyễn Thạc xách túi leo lên nhà sàn với miệng cười toe như kẻ chiến thắng. Thạc đi bằng xe Minh Trung sau khi rượt theo máy bay không kịp!
 Một lần khác lên Đàlạt, sau khi trình diễn, chúng tôi ghé thăm hàng quán đêm ở góc đường Trương Vinh Ký – Duy Tân rồi thả bộ xuống Phan Đình Phùng để đi về hướng Mả Thánh. Trong nhóm lúc đó có thêm Huyền Trân là người ngâm thơ trong một số chương trình văn nghệ trên đài phát thanh Sàigòn và đài quân đội. Trời hôm đó tối mù và rất lạnh. Tôi không nhớ ai là người đưa ra ý kiến đi lên Mả Thánh để ngắm cảnh Đàlạt ban đêm. Trên đường đi chúng tôi chuyện trò vui vẻ. Hai cô nàng Phương Oanh và Huyền Trân đâu có ngờ là chúng tôi đưa hai nàng vào nghĩa địa để nhát ma. Chúng tôi theo con đường đất gập ghềnh băng ngang nghĩa trang. Những ngôi mộ có ánh đèn leo lét cùng với tiếng gió rít gào nghe thật ớn lạnh! Khi phát hiện ra là mình bị mấy ông quỷ sứ rủ đi coi ma với những nấm mồ cũ mồ mới lập lòe đom đóm thì hai nàng la ré lên, run cầm cập mà bám lấy mấy ông quỷ sứ ba chân bốn cẳng kéo chạy lui và năn nỉ cho xuống núi. Nàng nào nàng nấy mặt tái mét cắt không còn giọt máu. Mấy ông quỷ sứ chúng tôi thì cười khoái trá…
 Hôm nay ngồi ghi lại vài mẩu chuyện trong số rất nhiều mẩu chuyện thời tuổi trẻ của chúng tôi mà Nguyễn Đức Quang như một đóa hoa lạ rực rỡ bừng nở trên những chuổi kẽm gai rớm máu. Từ những hạnh phúc và khổ đau của những chặng đường đời, đóa hoa lạ vẫn cứ vươn lên đem hương thơm tỏa khắp nơi…hôm nay và cho cả mai hậu.
Nhiều lần kẻ viết bài này và Quang ngồi nhắc lại những chuyện trên và cùng cười với nhau.
 Quang có nhớ là đã hẹn với tôi mùa hè năm 2012 cùng dự đại hội và đi du thuyền đấy chứ? Nhưng thôi! Hãy an nghỉ đi Quang…Hãy yên giấc đi Quang…

Hoàng Kim Châu

 (1) Đọc bài “13 Trại Sinh”
 (2) Đọc bài “Vịt Mồng Năm (ĐS 2010)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn