Ngày thứ Tám - Trường Đoàn thị Điểm
Ah, lại một buổi sáng, mấy bữa nay ít đi xe lửa đi làm nên ít viết về Đà lạt. Sáng nay lại đi xe lửa, lại có dịp viết, lại thấy vui vui dù nỗi nhớ có lúc làm mờ đôi mắt.
Hôm rồi viết về Trường Đoàn thị Điểm, một người bạn gửi một tấm hình ngày xưa. Ờ cái ngày xưa ấy…
Đà lạt ngày ấy đi vào Trường Đoàn thị Điểm phải qua một dãy quán ăn bên tay trái, bên phải là khách sạn Thuỷ Tiên. Dãy quán này chắc chưa đến mười cái, nhưng lúc bấy giờ khá nổi tiếng vì những quán này dọn tới khuya. Bố hay dẫn ra cho ăn chè, ăn xôi gà, miến gà ở đây.Ui choa, cái vị chè đậu xanh bột báng ngày ấy ăn còn nhớ mãi. Trời lanh, hai bố con ông Tàu mở cái nắp thiếc màu vàng đậy những nồi chè, những nồi chè ấy bây giờ hình như không còn nữa. Tròn to và dẹp, không sâu, chia ngăn. Ngăn đựng chè đậu xanh bột báng, ngăn đựng sâm bổ lượng, ngăn đựng chè đậu đỏ, đậu xanh nguyên hột, đặc biệt là món chè hột vịt. Tất cả đâu chưa đến mười món chè, mỗi món lại chưa đến một tô. Chén chè múc ra chỉ vài muỗng nhỏ xíu là hết. Đúng là ăn lấy hương lấy hoa nên ngon vô cùng tận...
Xôi gà cũng vậy, gà Đà lạt lại ngon, chút xíu xôi, chút xíu gà, đã ngon lại ít nên cái vị ngon càng đậm nét.
Ngày ấy, hàng quán Đà lạt rất ít. Chung quanh khu Hoà Bình, ngoài các nhà hàng lớn như Nam sơn, Mê kông, còn tiệm ăn Tàu Đông Hải mà thỉnh thoảng bố mẹ lại dắt ra cho ăn đỉm sắm, bánh bao, bánh mì xíu mại. Phở thì có tiệm phở Bắc tên gì tôi quên mất, vì hay ăn ở phở Đắc Tín. Tiệm Đức tín ngoài món phở ngon nổi tiếng, còn lừng lẫy hơn nhờ các cô con gái xinh đẹp.
Đằng sau khu này là bến xe, cũng có một số quán ăn. Đường Tăng bạt Hổ có một tiệm ăn Tàu, bán mì ngon lắm, mà sao tôi cũng quên tên mất. Sau 70, khu này còn thêm một dãy bán bánh xèo vô cùng hấp dẫn...
Tức thiệt, xe tram lại ngừng rồi, mai tiếp vậy... Còn nhiều thứ để kể lắm đó nha ...
Sáng nay chợt nhớ cô Kim Chi. Có lẽ tại hôm qua viết về Đà lạt có nhắc đến trường Đoàn thị Điểm và một số bạn đã hỏi về trường này.
Ngày xưa tôi học Đa nghĩa, vẫn đi cùng với các anh các chị và một số bạn cùng xóm. Năm học lớp nhất đầu tiên, các bạn đã chuyển nhà, chỉ còn hai anh em học chung một lớp. Vì tôi học sớm lại thiếu tuổi nên năm đó là năm tôi tha hồ quậy vì biết không phải thi vào đệ thất. Tội nghiệp ông anh vừa học, vừa chép bài hộ cho con em gái lười. Nếu không nhờ ông anh và các điểm cao về luận văn, chính tả, ngữ vựng gỡ điểm toán, chắc năm đó tui chót lớp. Bố cưng con gái út, chẳng la tí nào cho nhỏ tha hồ quậy, ăn rồi chỉ lo chơi.
Qua năm sau, ông anh đã vào Trần hưng Đạo, còn mình con gái út, bố lại không thể đưa đi học từng bữa, quyết định cho vào học Đòan thị Điểm.
Ngày đầu đến trường, nhìn thấy oải. Cái tính hoài cổ bẩm sinh nhớ hàng khuynh diệp, nhớ con dốc xi măng thoai thoải, nhớ ông bán bánh mì xíu mại, ông bán kẹo kéo, và nhớ cả ông cai trường Đa nghĩa-)
Bố dẫn tới văn phòng gặp cô Xuân Phương hiệu trưởng, cô cười ... Đưa con gái rượu đi học à, muốn vào lớp nào. Bố bảo cho cháu vào lớp cô Chi. Gặp cô Chi, cô cũng cười... Vào lớp học tôi, là học trò tôi chứ không phải là con ông Châu nữa đâu đấy. Bố cũng cười, trò có hư là do thày dạy đấy... Con nhỏ thì run như cầy sấy và buồn như chấu cắn.
Ngày đầu tiên, cô cho một bài chính tả. Không có lỗi chính tả nhưng lãnh ba điểm chữ viết với lời phê không thương xót của cô... Chữ như gà bới...
Hôm sau khi bố đưa tới trường, cô cười ... Ông Châu ơi là ông Châu, con gái ông chắc lười học, chữ viết tệ quá... Tháng sau không khá hơn, tôi trả nó lại cho ông. Vậy mà bố cũng cười tươi như không, về chả la tôi câu nào. Cô còn thêm... Ngày nào ông cũng kè kè với nó như thế, nó hư là phải...
Ui, hôm sau bố thả cho đi học một mình cùng với mấy chị em Thuý Phượng, Anh Đào và Cẩm Quỳnh cùng xóm.
May mà còn có xe đò Chi lăng, trường gần, có bạn. Nghĩ tới không lo học cô trả lại bố, lúc ấy biết đi học ở đâu mà sợ, nên phải ráng thôi.
Có hôm cô hỏi cả lớp ... Nhử mũi có mùi vị gì, đứa kêu đắng, đứa kêu lạt, tui hăng hái dơ tay ... Thưa cô mặn ạ, còn ví von với độ mặn với nước biển, nước muối, cô cười... Vậy là các em đã ăn như mũi rồi, Thiên Hương chắc ăn nhiều nhất, quê xệ.
Lúc ấy đi xe đò Chi lăng, giá con nít là một đồng, có xe lấy hai đồng, có xe còn đòi ba đồng.
Lại tới sở rồi, mai tiếp nha ...
Big smile everyone -)
Ngày thứ Mười Một- Trường Đoàn thị Điểm và Cô Kim Chi (tiếp theo)
Sáng nay trời Melbourne êm chi lạ, lại nhớ đến bầu trời êm ả của Đà lạt ngày xưa. Ừm, cái nỗi nhớ mấy ngày bận rộn không có giờ viết hình như lại càng quay quắt...
Hôm trước đã viết tới đâu ta...
À, chuyện xe đò Chi lăng. Ngày ấy, bốn đứa, chị em Thuý Phượng, Anh Đào, Cẩm Quỳnh và tôi lóc nhóc đi học bằng xe đò. Nửa năm đầu học buổi sáng, lúc nào đi xe cũng một đồng một đứa, thi thoảng lắm mới có xe chặt đẹp hai đồng. Vậy mà qua nửa năm sau, học buổi chiều, đi gặp toàn xe của một ông bà hắc ám, quất toàn ba đồng không. Bốn đứa nổi sùng, quyết định đi bộ. Con nít cũng đã biết đình công, tẩy chay tư bản bóc lột haha ...
Thế là mỗi buổi trưa và chiều, bốn đứa tung tăng đi bộ. Từ ngã ba Địa dư ra chợ lấy gì làm xa, lại có bạn cùng chạy nhảy, cười đùa vui thế mồ. Nhiều buổi trưa, đang đi thấy có tiếng máy xe, rồi có người gõ nhẹ lên đầu. Ngẩng lên, té ra là cô Chi. Cô ngồi trên xe Jeep, thấy tụi tôi là cô kêu xe chạy chậm lại, gõ đầu trẻ chơi... Tới mùa ổi, cái gõ đầu của cô còn kèm theo một túi ổi khuyến mãi. Ổi nhà cô ngon thiệt, loại ổi táo tôi đã tả trong bài Đà lạt, Những Hương Vị Khó Quên đó. Ôi, nụ cười của cô và những yêu thương của cô những ngày ấy làm sao tôi quên.
Có một lần, học môn Quan sát (Khoa học) ngày xưa, cô kêu tôi lên, nếm một miếng cà chua sống. Ui mèng ơi, từ xưa tới giờ có bao giờ nhỏ ăn cà sống đâu. Cô hỏi mùi vị thế nào, tôi nhăn mặt le lưỡi... Đắng nghét à cô ... Cô sầm mặt, kêu trò khác... Trò này trả lời thưa cô, chua ạ... Cô hớn hở... À, bữa nay chúng ta học quả cà chua... Hì hì, bây giờ cô hỏi chắc tui cũng trả lời là đắng, nhưng sẽ không nhăn mặt, tại thấm gì với cái đắng của khổ qua, mà ăn khổ qua ngon quá chừng chừng.
Hồi đó, vì lời dọa đem tôi ... lại quả cho ba tôi nếu tôi học không khá mà tôi lo cắm đầu tập viết. Cô chấm vở mỗi tuần, hồi hộp nhìn số điểm tăng dần. Mà tức, không bao giờ đạt được điểm đầu lớp cả. Lúc nào cũng thua Vĩnh Thuận, tên này sao hắn vẽ đẹp quá. Tui mà vẽ thì, ui chao nhìn hình mà mắc cở. Được cái, không bị cô chê mà nhớ lần đầu tiên chấm vở đạt điểm tám, cô còn đưa bài viết gà bới ngày đầu đi học và quyển vở có con tám cho cả lớp coi. Hehe ... Vậy là cô sẽ không lại quả tôi về cho bố rồi -)
Ngày ấy trong lớp có khoảng hơn 50 học sinh. Mấy chục năm, giờ gặp lại Thành, hiện là mục sư ở Canada, Hạ Út ở Mỹ. Nhờ Facebook mới liên lạc được với Lại, Hồng Hạnh, Huyền. Còn Thuý Phượng thì lâu lắm rồi chưa gặp. Lê thị Ngoan tiệm sách Thiên nhiên nghe nói rất thành đạt ở Mỹ, và còn một số bạn bè xưa không gặp lại.
Cô Kim Chi thì khoảng 85, 86 tôi có gặp cô. Sau đó tôi qua Úc, lần về Việt nam làm việc năm 89, 90 đi tìm cô ở địa chỉ cũ nơi đường Trần Hưng Đạo, quận Bốn. Cô đã dọn đi, sau có người cho địa chỉ ở khu chung cư đường Trần Hưng Đạo quận Một. Tới đó cũng không ai biết cô. Mấy lần về Việt nam, đi hỏi thăm lòng vòng cũng chỉ cầm được những số phone, địa chỉ mà không ai biết cô cả. Mới tuần rồi, post bài lên Facebook, được một bạn báo tin cô đã mất từ 2004. Vậy là sẽ không bao giờ em gặp lại được cô và thấy nụ cười của cô. Mong cô thanh thản nơi chốn vĩnh hằng.
Đã nhiều lần trở về Đà lạt, con đường vô trường Đoàn thị Điểm rộng hơn, đầy nhà nghỉ. Những quán ăn nổi tiếng về chiều và đêm ngày xưa đã hoàn toàn xoá sạch.
Nhớ xe chè của bố con ông Tàu , chén chè đậu xanh bột báng ngon hết thuốc, rồi chén chè sâm bổ lượng nóng hổi. Có lẽ ngày ấy, trời lạnh, chén chè lại nhỏ tí nên ăn không ngán. Bây giờ ly chè nào cũng bự tướng, lại thêm ám ảnh lên kí, tiểu đường, chén chè không còn hấp dẫn như hồi xưa. Cũng nhớ hàng xôi gà béo ngậy. Ui dĩa xôi nóng bùi bùi, miếng gà luộc thơm thơm, ăn nhớ tận bây giờ...
Còn nhiều nữa, giờ tất cả hình như đã bị xoá sổ, muốn viết lại thì lại đến sở rồi, tạm ngưng vậy...
Gửi tất cả một chút nắng ấm cuối đông của Melbourne, và gửi chút mây đến cô Chi với tất cả lòng kính mến...
Mấy hôm nay, em rất nhớ cô...
Thiên Hương
Đàlạt - Mỗi Ngày Một Nỗi Nhớ - Tập Bốn
Ngày thứ Mười Hai - Đàlạt Nhớ Và Nhớ
Đà lạt ơi, trưa nay sao bỗng nhớ
Nhớ dậu bìm bìm, tỉ muội trắng xinh xinh
Nhớ hàng thông xanh rủ lá nên hồ
Nhớ cô gái trắng trong giờ tan học
Đà lạt ơi, sao mãi hoài vẫn nhớ
Nhớ rặng quỳ vàng, phẳng lặng nước Xuân Hương
Nhớ những người xưa thuần phác dịu dàng
Nhớ con dốc nhỏ mơ màng hờn dỗi
Đà lạt ơi, sao hoài thương, hoài nhớ
Nên giấc ngủ dịu dàng ươm mãi giấc mơ
Giấc mơ êm được bước nhẹ bên hồ
Gió lay nhẹ bờ tóc mềm bay xoã
... -)
Hichic...lunchtime is now over.
Ngày thứ Mười Ba – Các Tiệm ăn Đà lạt Xưa
Ngày hôm nay đổi tông, không viết trên xe lửa hoặc xe tram trên đường đi làm, mà viết bên khung cửa trên một ngọn núi tuyểt - Falls Creek trên Mount Bounty - vùng Alpine.
Ngoài trời thật nhiều mây xám, mới thoang thoảng một chút bụi tuyết, rồi chỉ còn lại sương mù. Năm nay mùa đông hết sớm, mới đầu tháng tám mà những rặng mimosa đã trổ hoa rực rỡ. Mimosa, sương mù, ôi có phải hai thứ đặc trưng của Đà lạt? Bởi vậy, bên không khí nhộn nhịp của đám tré ngoài kia, trong này có một người lại đang hoài cổ ặc ặc -)
Hôm trước viết tới đâu vậy ta, tới những quán bánh xèo đường Tăng bạt hổ. Ừ, những cái bánh xèo đó, nho nhỏ thôi, ít thịt, ít tôm. Nhưng trời lanh, nóng dòn, ngồi chờ đổ, cái thèm làm tăng vị ngon, lại cuốn trong những ngọn rau xanh rất tươi và rất ngon của Đà lạt. Trời lạnh, bánh nóng, rau tươi làm tan chất mỡ béo, ngon kể gì. Những năm ấy, ăn gì cũng ngon, vì không thừa mứa, không bị ám ảnh bởi hoá chất, thuốc sâu. Thức ăn hoàn toàn tự nhiên, tinh khiết.
Đường Minh Mạng cạnh đấy, sau 70 dần dần xuất hiện những quán chè, lôi kéo rất nhiều sinh viên, học sinh. Một trong những quán chè ấy nổi tiếng vì là nhà của người đẹp Ái Hiếu. Nhiều cây si mọc tua tủa trên con đường này. Không biết Ái Hiếu giờ ở mô, có kết rễ cùng một cây si nào không, hay cũng như đa số các cô gái Đà lạt khác, lấy chồng xa xứ hết.
Tới 73 thì phải, mọc thêm quán Vọng Nguyệt Lầu, tiệm này ở góc Minh Mạng và Tăng Bạt Hổ,….
Hồi chiều, đang viết dở dang, máy hết battery, vội post. Bây giờ thư thả lại viết tiếp...
Đang nói đến Vọng Nguyệt Lầu đúng không? Dạo ấy, các tiệm chè làm ăn khấm khá nên thi nhau mọc lên như nấm. Vọng Nguyệt Lầu hơi cải biên một chút. Bên cạnh các món chè còn bán thêm các món bánh miền Nam chan đẫm nước dừa. Bánh da lợn, bột báng, xôi bọc chuối nướng, v.v... Đà lạt trước đây chuyên trị món Bắc Trung, giờ có thêm hương vị Nam bộ...
Hết dốc Minh Mạng, kế rạp hát Ngọc Hiệp cũng có một số hàng quán, độc đáo nhất là món mì quảng khá nổi tiếp. Gần đó có tiệm ăn Tàu, ai nhớ tên nhắc dùm nha. Hồi đó lâu lâu cả nhà lại ăn tối. Trời ơi, món mì xào giòn và cơm thố ngon hết biết. Say này, tôi đã ăn hai thứ này nhiều nơi, mà không có chỗ nào đạt được cái hương vị ngày xưa. Cùng là cơm, chưng trong những thố nhỏ, sao lại ngọt bùi đến vay. Các sơi mì trắng chiên phồng, sóng sánh chút nước sốt, miếng cà chua, miếng rau cải, con tôm ngon chi lạ. Có lẽ ngày ấy, lâu lâu mới được ăn, lại ăn cả gia đình, trong vòng tay thương yêu, nên các món ăn lại càng thêm ngon.
Qua khỏi tiệm nảy, gần nhà sách Minh Thu có tiệm mì vịt tìm của hai vợ chồng ông Tàu già ngon thiệt ngon. Bà vợ thấy ốm yếu, quanh năm áo khăn che kín, chân đi tất dày cui. Một hôm bà bỏ tất, eo ơi đôi chân bà toàn ghẻ bôi thuốc xanh le gom ghiếc. Hôm ấy lúc vào miệng bà ngậm tăm. Lúc bưng ra cho tôi tô mì, không thấy chiếc tăm trong miệng bà nữa. Ăn gần hết tô mì, thấy chiếc tăm trong tô. Ặc ăc, từ hôm ấy giã từ tiệm mì hấp dẫn. Chuyển hướng sang các tiệm mì bên hông nhà hàng Cẩm đô.
Mà công nhận cái vị mì ở Đà lạt ngon thiệt, sau này về Sài gòn hay các nơi khác cái vị m ì ấy tìm cũng không ra. Tại rau, tại nước, tại thịt, hay tại những vị giờ chỉ còn trong nỗi nhớ.
Mà đâu chỉ có mì, mùi vị những tô phở ở Đà lạt cũng rất đặc biệt. Ngoài phở Đắc Tín, còn vài quán phở ở gần rạp xi nê Ngoc Lan , ở bến xe gần ấp Ánh sáng, tiệm phở Bắc ở gần ga xe lửa. Mùi vị phở ở tiệm nào cũng đậm đà. Thịt ngon, rau ngon, bánh phở ngon lại thêm không khí lạnh, tô phở nghi ngút khói, thơm ngát mùi thịt và gia vị, ăn kèm với dĩa rau xanh, cộng thêm mùi vị ớt, chanh số một. Ăn vào ấm cả người, tô phở lại không lớn, ăn một tô vẫn còn thòm thèm chưa đủ, nên chẳng bao giờ ớn.
Các tô bún ốc. Bún riêu ở trước trường Xuân an, gần Bưu điện cũng nhở rau mà thêm hương vị. Ngay cả những dĩa bánh cuốn, bánh bèo cũng ngon bá chấy.
Ngày ấy, Đà lạt không nhiều quán xá. Đa số dân chúng đi làm công, tư chức, làm trong quân đội. Nên lượng người ăn không đông, nên chừng đó quán cũng dư sức cung ứng. Thành phố đa số gồm những khu nhà kín cửa, dân chung sống hiền hoà. Ra đường, không nghe tiếng cãi vã, không nghe tiếng chửi thề, lại thêm những thức ăn ngon như vậy. Thành ra không nhớ đến mới là chuyện lạ...
Ngày thứ Mười Bốn – Đà lạt, Những Con Dốc Nhỏ
Từ chiều qua tới giờ, tuyết vẫn mãi rơi. Những hạt tuyểt nhỏ thôi, cũng đủ để đóng những thảm tuyết trắng xoá khắp nơi. Nhìn xa xa, những cành cây trĩu những hạt tuyết, những đốm áo xanh đỏ lướt trên những thảm tuyết trắng, lạnh và lạnh.
Lại nhớ cái lạnh Đà lạt ngày xưa. Bây giờ Đà lạt không còn lạnh nữa, vì người đông, vì cây cối chặt hết, và có lẽ khi đô thị hoá, nếp sống đơn sơ ngày xưa đã nóng dần lên theo nhịp thở công nghiệp.
Với những người lớn lên sau này, mới biết đến Đà lạt sau này, Đà lạt vẫn còn đẹp. Nhưng với những người đã sống ở Đà lạt trước 75, nếu hỏi Đà lạt có còn đẹp không. Có lẽ cũng mất một lúc lâu họ có thể trả lời, và có lẽ sẽ là một cái lắc đầu mệt mỏi.
Đà lạt, một thành phố cao nguyên, với kiến trúc nửa kín nửa hở. Những ngôi nhà xinh xắn lấp ló dưới những rặng cây, những con dốc nhỏ xíu uốn lượn, chìm trong màu xanh của lá, thẹn thùng những dàn hoa leo, những dậu dâm bụt, những dàn hoa hiên đỏ thắm, và thoang thoáng những đốm mimosa vàng thanh nhã.
Du khách bước lên dốc Hải Thượng, với cảm giác hơi hồi hộp hoang mang, không biết sẽ gặp những nét đẹp nào của thành phố. Một nhà hàng La Vie xinh xắn, rất lịch sự của các nữ tu bên tay trái. Khu bệnh viện lấp ló dưới những tàng cây. Lên đầu dốc, bắt đàu ở những ngã ba, bên trái một con dốc nhỏ, bên phải một con dốc nhỏ.
Những con dốc bạn đứng ở phía đầu không biết những gì sẽ ở phía dưới. Vì đâu đó ẩn dưới những tàng cây có thể là những biệt thự xây kiểu Pháp, cũ kỹ nhưng rất thanh lịch, cũng có thể là những căn nhà gỗ thô sơ nhưng rất dễ thương với những chùm tỉ muội trên bờ rào, hay những bông thược dược, cúc trắng, hoa bướm đủ màu.
Thế đó, cái thế giới dịu dàng với những con người hiền hoà hiếu khách, rất cam chịu, rất mềm mỏng nhưng lại đẫm ướt tình bà con, chòm xóm.
Đà lạt có rất nhiều con dốc nhỏ mang những đăc trưng như thế. Để những trưa hè, những đưa tre chạy chơi đôi má đỏ hồng, để những giờ tan học, những tà áo trắng thấp thoáng ẩn hiện qua nhưng khúc quanh, giữa những vùng xanh của lá.
Ngày xưa, Thuỷ tạ tuyệt vời xây trên hồ, bên kia là toà nhà Hướng Đạo nho xíu xiu , một tia phun nước thật xinh xắn, chỉ như những nốt nhạc thật nhẹ làm tăng thêm tấu khúc mạnh mẽ của Đồi Cù. Đối diện la Khách sạn Palace, bên phía xa xa lấp ló tháp chuông của Ly cé Yersin. Trước mặt Nhà Thuỷ tạ là toà nhà Cercle (Đào Nguyên) với mặt tiền tròn hướng đến khúc quanh lên dốc Nguyễn Trường Tộ. Đà lạt bản thân đã có cảnh quan rất đẹp lại được cộng thêm những kiến trúc hài hoà công phu của các kiến trúc sư Pháp nên từ lâu đã nổi tiếng.
Những con dốc nhỏ xíu xinh xắn của Đà lạt đã là chứng nhân cho bao cặp tình nhân, đã đi vào bao nhiêu bài nhạc và văn học.
Ôi , những con dốc...
Theo em xuống phố trưa nay, Đang còn chất ngất cơn say...*
Con dổc huyền hoặc từ Lữ quán Thanh niên ra tia phun nươc với những rặng dã quì duyên dáng một bên dốc, bên kia là những căn nhà xinh xinh thoạt ẩn, thoạt hiện dưới những dậu thưa.
Con dốc chợ với những hàng cây anh đào rực rỡ mùa xuân, xanh ngắt mùa hè, với những kiosques bán đồ lưu niệm, và những quán kem nho nhỏ, không lộng lẫy phô trương, chỉ tạo thêm những nét chấm phá cho Đà lạt thêm nên thơ dịu ngọt.
Khu Hoà Bình trên đầu dốc Chợ, điểm đầu của các con dốc Minh Mạng, Duy Tân, Tăng Bạt Hổ, và sau con đường Phan Bội Châu lại thêm một con dốc xinh xắn xuống tia phun nước.
Những con dốc mềm mại thoai thoải lên nha Địa dư, lên ga xe lửa. Con dốc cao nhưng lại oải mình dưới những hàng thông lên nhà thờ Con Gà.
Con dốc Du sinh, Cam Ly, Nhà Đèn, Dốc Chùa, Chi Lăng... Bất kỳ một con dốc nào cũng có một nét đặc trưng của nó. Làm tâm hồn lăng xuống, mềm đi theo tiếng thông reo hay tiếng mưa tí tách... Có phải nhờ đó mà người Đà Lạt sâu lắng, diu dàng như thế...
Post thôi, không có lại hết battery hay bấm nhầm nút gì thì uổng công viểt. Bye nha.
Sau một đêm, tuyết đã rơi đầy. Rất lạnh, rất thuần khiết như Đà lạt ngày xưa ....
Thiên Hương
- Nhạc của Lê Uyên Phương