Nguyễn Quang Tuyến
Tưởng niệm Nguyễn Đức Quang :
* Một người bạn hiền
*Một nhạc sĩ du-ca trĩu nặng tình quê hương
Mỗi một cuộc đời đều có một ngày giờ định mệnh đến gõ cửa. Cái giờ ấy , ngày ấy như một lời hẹn mà không có ai có thể chối từ, trốn chạy. Nó sẽ đến sớm hay muộn, đến với một tâm trạng hoảng hốt hay bình thản, êm đềm đón nhận …
Đúng 04 giờ sáng ngày Chủ nhật 27/03/2011 tại Cali, Mỹ, giờ định mệnh ấy đã đến với Nguyễn Đức Quang (NĐQ), người bạn hiền của chúng ta đã bình thản, âm thầm ra đi, đi xa mãi vào cõi vô cùng.
Hôm nay đây, chúng ta tưởng niệm NĐQ, một người bạn của bao nhiêu người thân quen anh. Một nhạc sĩ du-ca nặng tình quê hương của bao trái tim thanh niên dâng trào nhiệt huyết của thập niên 60 thế kỷ trước (1960-1970).
Nguyễn Đức Quang ơi! Người bạn thân thương của anh em Dalat với Trung học Trần Hưng Đạo và với Đại học Dalat : Thụ Nhân khóa 1-2. Anh là người thủ lĩnh chủ xướng của Trầm ca, Du ca ngày nào, mắt sáng ngời trong các đêm bập bùng lửa trại, các đêm hỏa châu ngút trời thắp sáng đêm đen. NĐQ nay đã từ giã tất cả và ra đi như một vì sao xẹt ngang bầu trời tăm tối. Anh xuất hiện trong một giai đọan lịch sử lạ lùng của đất nước, của cả thế hệ chúng ta: “mò mẫm đấu tranh! Mò mẫm tồn tại! Mò mẫm tìm một chốn yên thân cho thân phận làm người!”
Những ai tuổi đôi mươi trong thập niên 60 ở Miền Nam vang rền đạn bom, khói lửa ngút trời mà chẳng biết đến NĐQ. Thế hệ chúng ta ngày ấy đã thấy gì? Đã nghe gì? Đã mơ ước ra sao? Trước mắt chúng ta hàng hàng lớp lớp gục ngã, bao làng quê rực lửa ấy, bao mẹ già, em bé …. Tuyệt vọng cùng cực tuyệt vọng! Bao giấc mơ tuổi trẻ chóng mắt trong đêm đen mò mẫm mong chờ!
Và trong đêm đen đó, NĐQ đã ca vang :”Hy vọng đã vang lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhọc nhằn tràn nứơc mắt . .. đang rực lên trong màn đêm”
Dù chân trời vẫn mịt mù; dù “không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề”; dù Việt Nam chưa được ngạo nghễ như ước mơ...nhưng tất cả chúng tôi, tất cả những bạn trẻ đã thấy ấm lòng; đã thấy chân trời rạng sáng và âm thầm chờ đón bình minh.
Hình ảnh NĐQ với cây đàn guitar thùng bên ánh lửa trại bập bùng, vây quanh hình ảnh và âm thanh đó là hàng ngàn đôi mắt ngời sáng trong hy vọng, trong ước mơ; dẫu rằng quanh ta vẫn còn bừa bộn tăm tối, đau thương.
NĐQ của những năm tháng ấy là trái tim, là khát vọng, là nghệ sĩ đem đến cho thanh niên một cuột đời khác, niềm vui khác bên cuộc đời tù hãm vô vọng trong chiến tranh tham nhũng, sa đọa … tù hãm bỡi lừa đảo chính trị, bởi tuyệt vọng không lối thoát!
Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
(Nguyễn-Đức-Quang : VN quê hương ngạo nghễ )
Ai đã trãi qua những ngày tháng ấy, đã thấy hàng ngàn đôi bàn tay tuổi trẻ vỗ cầm nhịp quanh đóng lửa hát vang. Hy vọng đã vươn lên! – VN quê hương ngạo nghễ – đường Việt Nam … mới thấy được bạn chúng ta, NĐQ có vai trò nào trong lòng tuổi trẻ ngày tháng ấy!!
Vai trò của NĐQ ngày ấy nó lớn hơn những gì mà nhiều người chưa nghĩ vế anh! Nó lớn hơn cả phong trào du-ca, các phong trào thanh niên sau này . .. vì đã mấy mươi năm đã qua đi mà trong tâm tưởng thế hệ chúng ta vẫn còn như mới tinh khôi: “Con người ấy, lời ca ấy, dáng đứng ấy, trong một thời buổi ấy!”
NĐQ chưa đi đâu hết! Chưa đi xa nơi nào hết! Mà vẫn con trong mỗi chúng ta . . và hôm nay, chúng ta ngồi bên nhau tưởng nhớ đến anh.
Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944, tại Sơn Tây, Bắc Việt. Nơi ấy có Núi Tản Sông Đà, nơi có những thi sĩ tài danh như Tản Đà, Quang Dũng. Nguyễn Đức Quang sinh trưởng trong một gia đình công chức ngành giáo dục mẫu mực, anh cùng gia đình về sinh sống tại Đà Lạt năm 1959,thời Trung học – học Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt và năm 1964 vào đại học Đà Lạt khóa I Trường Chánh Trị Kinh Doanh.
Đà Lạt với khung cảnh thơ mộng là cái nôi để Nguyễn Đức Quang cùng các bạn bè thời trung học ru tuổi thơ mình thấm đẫm trong niềm vui âm nhạc. Các bạn bè Đà Lạt của anh lúc ấy cũng chưa định hình sỡ thích và khuynh hướng ca nhạc của mình sẽ về đâu . Anh là một hướng đạo sinh nên ban đầu anh làm nhạc cho sinh họat hướng đạo. Chính tuổi trẻ và âm nhạc hòa quyện nhau trong một sân khấu vĩ đại làm nền đó là TP. Đà Lạt thơ mộng trong những tháng năm đầu năm 60. Thành phố Dalat đã là vườn ươm cho bao tài hoa âm nhạc, trong đó có NĐQ.
Theo Nguyễn Đức Quang, bước rẽ quan trọng cho năng khiếu âm nhạc của anh là vào năm 1965 khi gặp Phạm Duy tại Thạnh Lộc Thôn , tỉnh Bình Dương bây giờ.
Nguyễn Đức Quang tâm sự: “nhạc của tôi sau này người ta gọi là nhạc cộng đồng, nhạc sinh hoạt…Một thứ tình cảm không phải chỉ dành cho hai người đang yêu nhau mà là một thứ tình cảm thiết tha nói lên mối liên hệ giữa vùng đất và con người” .(1)
Nhạc của Nguyễn Đức Quang gắn liền với công tác xã hội, với tuổi trẻ, với lửa trại…Với bừng bừng sức sống. Trước đó đầu năm 1965 là trại suối Thông A ở Đơn Dương Đà Lạt, và tiếp đến giữa năm 1965 là trại Thạnh Lộc Thôn hơn 300 trại viên… và tiếp theo là trại CPS ở Mỹ Tho…
Và dưới ánh lửa trại bập bùng, dưới trời đầy trăng sao, hàng trăm đôi mắt rực sức sống … có một cuộc gặp quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc trong đời Nguyễn Đức Quang: Tại đây Quang gặp Phạm Duy. Phạm Duy đang phổ biến 10 bài Tâm Ca lần đầu. Nguyễn Đức Quang tâm sự : “ Dịp này nhạc sĩ Phạm Duy đến sinh họat với toàn thể sinh viên chúng tôi. Ông đang làm loại nhạc mới mà ông gọi là 10 bài tâm ca, lúc đó chỉ xong có 7-8 bài. Ông hát những ca khúc này và tôi bị choáng ngợp vì bởi nhạc và lời của những bản tâm ca này. Ông hát một hơi năm bài và trong giờ nghỉ của ông tôi được anh em của nhóm đẩy ra trình diễn một số ca khúc của tôi. Chỉ là vài bài ca sinh họat mà thôi.
Tôi bị nhạc của Phạm Duy hớp hồn thế nào thì ông ngạc nhiên về những ca khúc của tôi như thế. Sau đó, hai bên gặp gỡ nhau, với Phạm Duy ông cho tôi là một khám phá mới… Do đó, Phạm Duy đề nghị mỗi tuần gặp nhau 1 lần vào tối thứ năm để hát cho nhau nghe những sáng tác mới… Tôi đã trình bày cho Phạm Duy nghe toàn bộ những ca khúc trong tập trầm ca. Nội dung những ca khúc này là đặt vấn đề thanh niên đối với vận mạng đất nước, đưa ra những suy nghĩ tuổi trẻ như các sáng tác nổi buồn “nhược tiểu” , “ tiếng hát tự do”, ‘lìa nhau”. (1)
Ý tưởng trên của anh Quang và nhóm bạn bè Dalat lúc ấy có lẽ cũng là cương lĩnh của du ca sau này: ca hát nói lên những vấn đề của cuộc sống, của thanh niên trước vận mệnh đất nước. Những ai đã sống qua thời kỳ ấy, những ai còn nhớ lại thời kỳ ấy sẽ thấm thía hình ảnh người nghệ sĩ dáng gầy gầy ôm cây ghi-ta nhắm mắt mà hát về thân phận giống nòi!! Anh Nguyễn Đức Quang đã làm như thế!
Những năm 65-70 rộ lên những trại hè, trại công tác xã hội, trại cứu trợ thiên tai chiến tranh … Có thể có nhiều khuynh hướng chính trị lợi dụng tuổi trẻ và hình thức “hội trại” để có các ý đồ khác. Nhưng lúc ấy, chính đàn hát và họat động cộng đồng đã kết nối tuổi trẻ khắp nơi. Và cũng từ duyên lành đó mà Du ca ra đời, có giấy phép họat động từ năm 1966, chỉ là hợp thức hóa một phong trào đã có từ năm 1965 mà thủ lĩnh là nhạc sì Nguỵễn Đức Quang và các bạn bè hợp tác.
Du ca không là ca nhạc “phản chiến” như ý nghĩa phản đối chiến đấu của phe này mà chấp nhận sự chiến đấu của phe khác. Phản chiến của du ca là phản đối chiến tranh, chết chóc bom đạn đến bất cứ từ đâu. Xin hãy trả lại yên lành cho quê hương, cho con người, cho thân phận 1 con người!!
Hôm nay tiễn đưa Nguyễn Đức Quang, ta nói nhiều đến người nhạc sĩ Du ca nơi anh, nói nhiều đến một thời anh đã cùng bạn bè làm hàng triệu trái tim thanh niên lúc ấy rộn rã, dồn dập cuốn theo lời ca, nhạc điệu của Du ca :
Cùng đi xoay Hoành Sơn,Cùng đi lay Trường Sơn.
Cùng đi biến đồng hoang ra lúa thơm.
Vượt khơi ra đảo xa, lướt ngàn nước sông nhà
Ta đắp bồi cho Mẹ Cha.
Đến năm 1975, du ca không còn, Nguyễn Đức Quang , rời quê hương đi tìm một nơi sống khác. Đành phải vậy thôi, cũng những con ngừời xưa ấy, nơi xa xứ, khó mà cất lên tiếng hát du ca, khó mà ngồi lại bên nhau để sáng tác một cái gì như thuở cũ, vì như anh nói: “ngày xưa tôi sống thật trên quê hương tôi. Tôi đau từng nỗi đau của những người lính, những bà mẹ, những người vợ, những nông dân, những người lao công, những em bé, những người già… Ngày nay, tôi không có cơ hội tích lũy những chất liệu vừa kể. Tôi cũng có thể nặn được những điều đó, nhưng những sáng tác thuần kỉ thuật và trí tuệ cho dù có hay vẫn có một cái gì đó không thật mà thành thử nó cứ gượng mà không đi vào lòng người”. (1)
Anh đã để Du ca ngủ yên. Anh đã đi vào họat động báo chí, anh là chất kết nối bạn bè Thụ Nhân khắp nơi… Anh vẫn ôm đàn hát, nhưng không còn hát du ca!!
Ở nơi xa ấy, anh vẫn mơ: “Chúng tôi tin rằng có lúc … anh em chúng tôi còn sống cho dù chỉ thoi thóp thở, chúng tôi cũng sẽ trở về để nhắm mắt trên mãnh đất chúng tôi đã sinh ra, đã lớn lên.”(1)
Và Anh Quang đã ra đi lúc 4 giờ sáng ngày 27/03/2011 tại Cali, chưa kịp trở về thoi thóp, ngưng thở trên mãnh đất quê hương mà anh đã nặng tình. Anh chưa kịp trở về nhưng cả sự nghiệp của anh, cả một đời nhạc sĩ mãi mãi đã trở về, mãi mãi con tim nóng hổi đó vẫn còn hòa nhịp sống trong dòng chảy của quê hương.
Tưởng niệm Nguyễn đức Quang cũng là xác tín với anh về các giá trị mà anh đã để lại trong lòng bạn bè anh trên quê hương anh đã một thời và mãi mãi trong 1 góc con tim của mọi người biết đến anh.
Nguyễn Quang Tuyến
Ghi chú:
(1)Hoàng Khởi Phong: “Nói chuyện với Nguyễn Đức Quang” – 1998, in ở Báo Việt, Cali.