Sau hơn 24 thế kỷ, chưa bao giờ sân khấu chính trị thế giới được chứng kiến những học thuyết có tầm vóc “kinh bang tế thế”
của thời Xuân Thu Chiến Quốc, tưởng chừng như chỉ còn nằm trong thư viện, nay được đem ra ứng dụng một cách ngoạn mục và sâu sắc- đó là học thuyết Hợp Tung và Liên Hoành.
Vào
thời Xuân Thu Chiến Quốc (Thế Kỷ thứ 3 trước Tây Lịch), lúc bấy giờ nước Tần quá mạnh có khả năng thôn tính sáu quốc gia còn lại. Tô Tần nhìn thấy nguy cơ đó cho nên đã đem “miệng lưỡi” đi du thuyết. Kết quả sáu nước Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên đã nghe theo và đoàn kết lại, lập liên minh để chống Tần theo kế hoạch gọi là Hợp Tung. Thế nhưng
“vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, Trương Nghi nhìn thấy nhược điểm của thế Hợp Tung cho nên đã hiến kế Liên Hoành cho vua Tần. Vua Tần nghe theo, kết quả kế Hợp Tung tan vỡ, nhà Tần “gồm thâu lục quốc”. Vậy có thể nói Liên Hoành là “khắc tinh” của Hợp Tung.
Tại sao Liên Hoành lại là “khắc tinh” của Hợp Tung ? Mới nhìn bề ngoài, các nước nhỏ tìm cách liên kết với nhau để đối đầu với nước lớn là “diệu kế”
nhưng nhược điểm chí tử của liên minh (Hợp Tung) là các quốc gia thường
đặt quyền lợi của mình lên trên và ngại khó, ngại khổ - tức không chịu hy sinh, chấp nhận thiệt thòi trong liên minh. Do đó, khi có một chút lợi lạc hoặc “cảm thấy” khó khăn là thoái chí. Ngoài ra, tâm lý thông thường của bất kỳ liên minh nào là người ta thường nghi kỵ lẫn nhau. Quốc gia nào cũng sợ quốc gia kia “xé lẻ” hoặc “đi đêm”
với kẻ thù. Do đó, nếu không khôn khéo, hành động không
minh bạch, không thường xuyên thông báo cho nhau mọi động tác…thì rất dễ gây hiểu lầm. Nắm được nhược điểm và tâm lý này, nhà Tần đã dùng kế Liên Hoành để xé lẻ liên minh sáu nước bằng cách ve vãn từng quốc gia và
như đã nói ở trên, kế Hợp Tung tan vỡ.
Ngày
nay, do sự tái diễn của lịch sử, việc ứng dụng Hợp Tung và Liên Hoành đã và đang diễn ra một các ngoạn mục tại Đông Nam Á. Nói về sức mạnh kinh tế, Hoa Lục có khả năng khuynh đảo toàn thế giới bằng cớ siêu cường
Hoa Kỳ hiện là “con nợ” của Hoa Lục. Nói về sức mạnh quân sự, Hoa Lục coi như bá chủ ở vùng này. Tổng cộng Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản và thêm
9 nước Đông Nam Á cũng không thể đối đầu với sức mạnh quân sự của Hoa Lục. Do những hành động xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia trong vùng liên tục trong 37 năm qua: Từ xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm một phần của Quần Đảo Trường Sa năm 1988 rồi xây dựng căn cứ quân sự và sân bay tại
đây, rồi công bố sát nhập Trường Sa vào lãnh thổ Trung Hoa bằng địa danh Tam Sa, xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ tại Đảo Hải Nam, cho tàu Ngư Chính phá phách các dàn thăm dò dầu khí của Việt Nam, áp lực để các quốc gia như Anh Quốc (PB), Hoa Kỳ (Exxon) phải từ bỏ các hợp đồng khai thác dầu khí trong vùng quyền lợi kinh tế của Việt Nam, bắt bớ, giết hại
ngư dân Việt Nam với lý do rất mơ hồ “xâm phạm lãnh hải”, công bố Đường Lưỡi Bò xác định chủ quyền trên biển coi như toàn bộ Biển Đông.
Mới đây nhất, việc hạ thủy Hàng Không Mẫu Hạm Thi Lang…khiến không riêng gì Đông Nam Á mà cả thế giới lo sợ. Trước viễn ảnh đen tối đó, các
nước Đông Nam Á – giống như một
đàn trâu rừng- vội vã co cụm lại để đối đầu với con sư tử đang lừng lững tiến tới và một liên minh theo kế Hợp Tung thời Chiến Quốc hình thành. Trong liên minh này, hai quốc gia trụ cột là Phi Luật Tân và Việt
Nam , sau đó là Nam Dương và Tân Gia Ba. Phi Luật Tân lớn tiếng nhất và
công khai chống lại Hoa Lục – lý do thật dễ hiểu vì Phi Luật Tân ở xa và không có biên giới đất liền với Hoa Lục. Ngoài ra Phi Luật Tân còn có “bửu bối” Hiệp Ước Phòng Thủ Chung ký kết với Hoa Kỳ năm 1951.
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asia Nations) viết tắt là ASEAN thành lập năm 1967 bao gồm 4 quốc gia Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân và Tân Gia Ba, sau thêm Brunei,
Miến Điện, Kampuchia, Lào và Việt Nam…tổng cộng 9 nước. Mới thoạt đầu ASEAN không phải là một liên minh quân sự mà mục tiêu chỉ là “thúc đẩy phát triển kinh tế và thăng tiến xã hội”
nhưng do thời thế đẩy đưa, do có cùng một hiểm họa – dù chưa ký kết thỏa hiệp chính thức- trên thực tế ASEAN đã và đang biến thành một “liên minh quân sự” tại Đông Nam Á. Chúng
ta có thể khẳng định điều này qua các cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng đã diễn ra vào Tháng 10, 2010 tại Hà Nội,
Tháng 12 cùng năm tại Đà Lạt và năm nay (2011) tại Nam Dương. Đấy là không kể hai cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng Asean- Nhật Bản do Nhật tổ chức ở Tokyo.
Xen kẽ, chúng ta thấy những cuộc thăm viếng và làm việc liên tục của các tổng tham mưu trưởng quân đội, cùng các tàu chiến của các nước trong
khối SEAN.
Hơn
ai hết, Hoa Lục nhìn thấy thế Hợp Tung của 9 nước ASEAN nên đã quyết tâm phá vỡ bằng kế Liên Hoành. Để thi hành, từ trước đến nay Hoa Lục khăng khăng lập trường chỉ thương thảo song phương chứ không chấp nhận thương thảo đa phương. Khi theo đuổi lập trường đó Hoa Lục nhắm tới:
1) Không cho, cũng như không chấp nhận sự can thiệp của quốc tế hay một số cường quốc khác vào khu vực.
2) Không chấp nhận tiếng nói thống nhất ngay cả của ASEAN.
3) Thỏa hiệp riêng lẻ với từng quốc gia, nếu đạt được sẽ làm tan rã liên minh ASEAN.
Chiến thuật mà Hoa Lục xử dụng là vừa đe dọa vừa ve vãn.
Đe dọa là phô diễn sức mạnh quân sự, đóng thêm hàng không mẫu hạm, trên
đất liền tập trung quân ở biên giới, trên biển cho tầu Ngư Chính phá phách các dàn khoan hoặc thăm dò dầu khí, bắt giữ hoặc giết hại ngư dân các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam, đồng thời áp lực về kinh tế. Thậm chí còn đe dọa cả các quốc gia có thiện cảm hoặc liên kết với các quốc gia trong vùng như cảnh cáo tàu chiến của Ấn Độ khi tàu này đang di
chuyển trong vùng biển Việt Nam, sau khi thăm viếng Nha Trang, cảnh cáo cả Hoa Kỳ là không nên can thiệp vào Biển Đông. Ve vãn là hứa
hẹn một vài tương nhượng nào đó, viện trợ thương mại, hoặc đầu tư v.v…
Xin
đừng đánh giá thấp Hoa Lục. Họ có thể sẽ thành công với kế Liên Hoành. Xét trong 9 nước của ASEAN chúng ta thấy Kampuchia, Lào hoàn toàn đứng trung lập vì họ không mất gì, được gì trong biến động này. Miến Điện dù Tổng Thống Thein Sein và 13 bộ trưởng đã tới thăm Ấn Độ vào ngày 14/10/2011
nhưng vẫn còn trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Brunei thì quá nhỏ. Mã
Lai và Nam Dương không có tranh chấp về biển. Tân Gia Ba tuy cương quyết nhưng ở quá xa. Tóm lại chỉ còn hai quốc gia đứng mũi chịu sào là Việt Nam và Phi Luật Tân. Hoa Lục có thể “xé lẻ”
Phi Luật Tân bằng cách ký kết hiệp ước bất tương xâm, nhượng bộ chú ít về lãnh hải mà thực ra những vùng biển này không phải của Hoa Lục mà là của Việt Nam . Nói khác đi Hoa Lục theo sách lược “mượn hoa cúng Phật” hay ”của người phúc ta”, đồng thời hứa hẹn viện trợ kinh tế, tài chánh, mở rộng thị trường cho Phi Luật Tân. Một khi đã “xé lẻ” được Phi Luật Tân thì Việt Nam chơ vơ một mình và liên minh ASEAN sứt mẻ rồi tan vỡ hoặc trở thành tổ chức “bù nhìn”.
Thế
giới không phải không biết tới điều này cho nên đã phải nhảy vào. Tại sao phải nhảy vào? Không cần giải thích dông dài, chúng ta có thể nói ngay: Nếu Hoa Lục khống chế được Biển Đông thì ba nước lâm nguy trước tiên là Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn rồi sau đó tới Đông Nam Á rồi Hoa Kỳ, Úc Châu. Còn Ấn Độ thì từ từ chết sau. Nhìn vào bản đồ hàng hải chúng ta có thể khẳng định tuyến đường từ Eo Biển Đài Loan rồi dọc theo Biển Đông tới Eo Biển Malacca là sinh lộ của toàn thế
giới. Năm xưa liên minh sáu nước tan vỡ và bị Tần tiêu diệt là vì liên minh này không có điểm tựa.
Giả dụ, lúc bấy giờ có một cường quốc sức mạnh tương đương với Tần hỗ trợ thì liên minh Lục Quốc vững như bàn thạch. Ngày nay cũng thế, dù liên minh ASEAN có đoàn kết và quyết tâm như thế nào đi nữa, nếu đứng một mình, sớm muộn gì cũng tan như bọt nước dưới áp lực của Hoa Lục. Muốn sống còn, Liên minh ASEAN cần một điểm tựa, nói khác đi liên minh ASEAN phải được đặt vào thế chân vạc.
Do
tình cờ của lịch sử, do những biến cố chính trị đẩy đưa, một thế chân vạc mới vừa hình thành mà cả thế giới đều nhận rõ đó là Trục Asean- Hoa Kỳ- Ấn Độ.
Từ khi giành được độc lập từ tay Thực Dân Anh năm 1947, Ấn Độ đã thí nghiệm thành công bom nguyên tử nổ ngầm dưới đất. Với dân số gần 1.2 tỷ (thống kê 2006) có hỏa tiễn tầm trung mang đầu đạn hạt nhân, hải quân đứng hàng thứ tư thế giới, có hàng không mẫu hạm và phát triển nhanh chóng về kỹ nghệ, nhưng Ấn Độ luôn luôn nghị kỵ Hoa Kỳ và không bao giờ tập trung vào khu vực Á Châu, đặc biệt Đông Nam Á. Ấn Độ coi như sống bên lề Á
Châu mà chỉ chú tâm tới Nam Mỹ, Phi Châu v.v…Thế nhưng cục diện đó đã thay đổi khi Thủ Tướng Singh của Ấn Độ thăm Hoa Kỳ vào Tháng 10, 2009 rồi TT.
Obama - vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ công du Ấn Độ vào Tháng 11, 2010. Đặc biệt chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại Trưởng Hillary Clinton vào Tháng 7, 2011 trong đó bà nói rõ Ấn Độ không phải chỉ “Nhìn Về Hướng Đông”
mà cần phải hành động. Đó là thông điệp mạnh mẽ cho biết Hoa Kỳ chấp nhận và cần sự hiện diện quân sự của Ấn Độ tại Biển Đông. Trước đó vào ngày 24 Tháng 11, 2008 Nữ Tổng Thống Ấn Độ cũng đã thăm Việt Nam . Rồi vào ngày
12 Tháng 5, 2001 hai tàu chiến Ấn Độ cập bến Nha Trang và Trục Asean- Hoa Kỳ- Ấn Độ ra
đời. Chúng ta có thể tiên liệu những ngày tháng sắp tới đây, các viên chức cao cấp của Ấn Độ sẽ lần lượt thăm viếng các quốc gia Đông Nam A,
tàu chiến Ấn Độ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông để bảo vệ các giàn thăm dò dầu khí và thao diễn chung với các nước trong vùng, song song với Hải Quân Hoa Kỳ. Tại sao Thế Chân Vạc này lại hình thành mau chóng như vậy? Có hai lý do:
Thứ nhất: Theo BBC, do mối quan hệ bền vững với Việt Nam trong suốt 40 năm qua, Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ năm 2007, Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An. Theo chuyên gia về an ninh Iskander Rehman, “Ấn Độ đã và đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân nhằm phá bỏ thế độc tôn của Trung Quốc tại Biển Đông. Một điều thú vị là không quân và hải quân Việt Nam và Ấn Độ xử dụng nhiều trang bị của Nga nên dễ dàng trao đổi cho nhau. Delhi đã giúp sửa chữa và nâng cấp 125 chiến đấu cơ Mig 21.
(Chiến hạm Ấn Độ cập bến Nha Trang)
Bên
cạnh việc huấn luyện thủy thủ và phi công cho Việt Nam, năm 2005 Hải Quân Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam 150 tấn phụ tùng cho các tàu chiến hạng Petya và OSA-11. Ấn Độ cũng sẽ giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm mà Việt Nam đang đặt mua từ Nga…Hai nước có thể cùng thiết lập hệ thống báo động dọc bờ biển Việt Nam và Ấn Độ có thể điều chiến đấu cơ tuần tra tới Việt Nam, không chỉ theo dõi các tuyến hàng hải quan
trọng ở Biển Đông và Eo Biển Malacca, mà còn để phát hiện các hoạt động
tàng hình ở phía dưới.” (BBC)
Thứ hai: Ấn
Độ không thể nào quên cuộc chiến tranh với Hoa Lục năm năm 1962. Những năm gần đây Hoa Lục đã cho tàu chiến lảng vảng vào Ấn Độ Dương để “hỏi thăm sức khỏe” Ấn Độ. Hoa Lục luôn luôn dùng gọng kìm Pakistan
để làm khó dễ Ấn Độ. Đặc biệt khi mối liên hệ giữa Pakistan-Hoa Kỳ trở nên chua chát, Pakistan đã cho mời ngay Bộ Trưởng Công An Hoa Lục tới thăm và tuyên bố thẳng thừng nếu Hoa Kỳ thù nghịch với Pakistan thì Pakistan sẽ liên kết ngay với Hoa Lục. Ấy là chưa
kể gọng kìm Miến Điện ngay cạnh sườn phía Đông cũng làm cho Ấn Độ vô cùng khó chịu. Ấn Độ chính là con “cọp ngủ” và ngày nay đã “biết thức dậy” và mạnh dạn tiến về Đông Nam Á. Đây là cơ hội bằng vàng cho Ấn Độ triển khai kế hoạch phòng thủ và xây dựng vị trí cường quốc của mình tại
Á Châu.
Câu hỏi đặt ra ở đây: Tại sao lại là thế chân vạc Asean-Hoa Kỳ- Ấn Độ mà không phải là Asean- Hoa Kỳ-Nhật Bản hoặc Asean- Hoa Kỳ-Úc Châu? Xin thưa:
1) Nhật
Bản bị ràng buộc bởi Hiến Pháp ngăn cấm không cho đem binh sĩ ra nước ngoài. Hơn thế nữa hình ảnh xâm lược Á Châu của quân phiệt Nhật năm 1945
vẫn còn đó. Việc tăng cường binh bị của Nhật khiến các quốc gia Đông Nam Á nhớ lại cơn ác mộng năm xưa. Nhật nên đóng vai trò hỗ trợ cho Thế Chân Vạc và tạo thế gọng kìm vào cạnh sườn Hoa Lục hơn là đem tàu chiến vào Biển Đông.
2) Còn Úc Châu thì nhân lực và tài lực yếu kém chỉ có khả năng hỗ trợ cho Thế Chân Vạc, chia xẻ trách nhiệm với Hoa Kỳ và Ấn Độ, đồng thời chặn con đường tiến quân hoặc rút lui khi các hạm đội của Hoa Lục tiến vào Eo Biển Malacca hoặc từ Ấn Độ Dương kéo về. Ngoài ra do yếu tố địa lý, cho dù Nhật Bản hay Úc Châu có đứng vào Thế Chân Vạc cũng không thể có ưu thế hơn Ấn Độ. Giả sử nếu tàu chiến của Ấn Độ bị làm khó dễ ở Biển Đông,
Ấn Độ chỉ cần cho dàn khoảng 500,000 quân ở biên giới thì Hoa Lục cũng phải điều động khoảng nửa triệu quân tới đó. Chắc chắn lúc đó sức mạnh quân sự của Hoa Lục ở Biển Đông sẽ bị phân tán rất nhiều. Do đó có
thế nói cho tới bây giờ, liên minh Asean-Hoa Kỳ- Ấn Độ là liên minh hoàn hảo nhất.
3) Theo
lịch sử, vì Ấn Độ không phải kẻ thù của Tây Phương cho nên Thế Chân Vạc
này còn được hỗ trợ từ xa - trước mắt chúng ta nhận thấy có Đức và Hòa Lan. Anh, Pháp còn đang đứng nhìn vì vướng mắc kinh tế, tài chính với Hoa Lục. Nhưng ở vào thời điểm chín muồi nào đó, chắc chắn cũng sẽ ngả theo Liên Minh Chân Vạc này.
Tạm kết luận: Khi một liên minh quân sự hình thành chắc chắn không phải để chơi. Lịch
sử thế giới đã chứng tỏ rằng liên minh quân sự ra đời là để ngăn chặn hay phát khởi một cuộc chiến tranh. Liên minh càng lớn thì cuộc chiến tranh càng khốc liệt. Liên Minh Áo-Hung-Phổ-Ottaman và Liên Minh Đức-Ý-Nhật
trong Đệ I và Đệ II Thế Chiến đã minh chứng điều này. Trong hơn thập niên qua, thế giới cũng đã chứng kiến một vài liên minh quân sự hình thành rồi phát khởi vài cuộc chiến tranh mà số tử vong cũng đã lên tới vài triệu người đó là Liên Minh Mỹ-Anh trong chiến tranh Iraq, Liên Minh Đơn Phương Mỹ một mình đánh trước rồi lôi kéo đồng minh sau trong chiến tranh Aghanistan, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia Hồi Giáo trong chiến tranh Libya.
Với thời gian qua đi, theo dòng ký ức mờ phai của nhân loại, dù mau quên thế nào đi nữa, chắc chắn lịch sử thế giới cũng không thể nào không nhớ tới Liên Minh Chân Vạc mới đang hình hành tại Á Châu . Tại sao vậy? Bởi vì:
1) Nếu thế chân vạc Asean-Hoa Kỳ- Ấn Độ bền vững và thành công thì Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung sẽ hưởng một nền hòa bình lâu dài. Lành thay!
2) Nếu thế chân vạc Asean-Hoa Kỳ- Ấn Độ yếu đi và thất bại, thế giới sẽ phải đương đầu với Đệ III Thế Chiến khốc liệt hơn cả Đệ I và Đệ II Thế Chiến. (*) Bất hạnh thay!
Đào Văn Bình
(California Tháng 10, 2011)
(California Tháng 10, 2011)
Cước chú: (*) Trong
Đệ I Thế Chiến, 70 triệu quân được huy động ra mặt trận và lớn nhất trong lịch sử nhân loại do mức độ tử vong và tàn phá của nó. Trong Đệ II
Thế Chiến khoảng 62 triệu người đã chết. Nếu Thế Chiến III bùng nổ, không biết bao nhiêu triệu người chết, bao nhiêu thành phố bị tàn phá, phóng xạ nguyên tử lan tràn như thế nào và hậu quả vài trăm năm sau ra sao, nhưng theo nhà bác học Einstein thì sau đó nhân loại sẽ dùng gạch đá để đánh nhau.
Nguồn: Website/GS Nguyễn đình Cường chuyển
Nguồn: Website/GS Nguyễn đình Cường chuyển
Gửi ý kiến của bạn