Như Một Cành Lan

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 151096)
Như Một Cành Lan

(Trích ‘Bên Bờ Sông Cũ’)

Gửi H.T.T.H. – Cho những ngày trẻ dại.

Tôi theo sau Hùng buớc vào tiệm thuốc tây Hoàn‐Vũ. Người đàn bà ngồi sau quầy hàng ngẩng nên nhìn, mỉm cười với Hùng:
‐ Kià anh Hùng! Tới chơi hay cần thêm thuốc cho cháu?
Thay vì trả lời, Hùng chỉ tôi và hỏi người đàn‐bà:
‐ Nhận ra ai đây không?
Người đàn bà nhìn tôi vài giây rồi nhè nhẹ lắc đầu, miệng vẫn tươi cười:
‐ Xin lỗi, tôi không …
Hùng quay sang tôi:
‐ Ông nhận ra ai đó không?
Tôi gật đầu, giọng lạc đi vì xúc động:
‐ Duy đây, Hoài không nhận ra sao?
Đôi mắt người đàn bà mở lớn nhìn tôi, kêu lên thảng thốt:
‐ Duy đó ư? Trời ơi, Duy đó ư? … Bây giờ thì Hoài nhận ra rồi!
Mắt Hoài vẫn mở lớn, cặp mắt năm xưa tôi không bao giờ dám nhìn vào mà không luống cuống rụt rè. Tôi tiến gần quầy hàng, muốn nắm lấy hai bàn tay đan vào nhau trên mặt kính, nhưng giống như xưa, tôi không dám, và giọng tôi run rẩy không khác gì ngày đó bao nhiêu:
‐ Như‐Hoài…, Hoài … khỏe không?
Hoài không trả lời, lặng lẽ nhìn tôi rồi cúi đầu gật nhẹ, mái tóc đong đưa, nhiều sợi đã thay màu.

Cường kéo tôi ra một góc sân:
‐ Mày là thằng cù‐lần. Hoài nó hỏi xin bài thơ mày làm cho tờ báo cuối năm mà sao mày không mở mồm nói vài lời mà chỉ biết gật gật cái đầu!
Tôi phân trần:
‐ Tại bất ngờ quá không … chuẩn bị gì cả.
‐ Chuẩn bị cái gì! Yêu con nhỏ mê tơi cả lớp đều biết mà có dịp vẫn không nói được một câu ra hồn!
‐ Mày là bạn thân nên biết chứ đâu có ai biết!
‐ Mốc xì. Thấy mày nhìn nó … chó cũng biết. Có thằng viết thư cho chương trình nhạc yêu cầu của đài phát thanh Đà Lạt, ký tên là Trần Quang Duy‐Hoài để tặng cho lớp Đệ Nhất Trần Hưng Đạo. Như vậy là cả trường này người ta biết rồi chứ không riêng gì lớp mình!
Tôi thấy tai nóng bừng:
‐ Mày nghĩ là Hoài nó có nghe chương trình nhạc đó không?
‐ Làm sao tao biết được. Mày tới hỏi nó xem.
Tôi dẫy nẩy:
‐ Xúi dại! Nhỡ nó mắng cho là hỏi vớ vẩn thì chỉ có nước độn thổ.
Cường thở ra an ủi:

Chắc là nó cũng có nghe. Tụi mình đứa nào cũng thích chương trình nhạc yêu cầu đêm thứ Bảy.
Tôi thở dài:
‐ Không biết đứa nào hại tao! Chắc là thằng em Hùng cà‐chớn của mày.
‐ Hại gì! Thằng nào đó nó chọc quê mày thì có, nhưng có lẽ giúp mày không chừng.
Có lẽ Cường nói đúng, tôi đã bỏ mất nhiều cơ hội nói với Hoài, người con gái bé nhỏ, mái tóc chấm ngang vai, và ‘mong manh như một cành lan’ ấy là tôi đã yêu Hoài ngay từ hôm Hoài e ấp bước chân vào lớp lần đầu tiên, ngồi ngay bàn đầu, trên tôi và Cường, nên mối tình vẫn chỉ là mối tình câm.
Cường lại an ủi thêm:
‐ Yêu thì tao không chắc, nhưng có lẽ là Hoài có cảm tình vớí mày. Tuần trước tao cũng thấy nó quay xuống cười với mày khi thày Phụng khen bài giải toán của mày là ‘élégant’. Mà sao lúc đó mày như người trên mây, chỉ lơ đãng nhìn, không nói với nó một lời hay cười lại với nó. Trông mày buồn buồn thế nào ấy.
‐ Lúc đó tao cũng không rõ là tại sao mình có cái gì như vương vấn. Được thầy khen mà không hớn hở, được người con gái mình yêu thầm cười với mình mà mình không thấy vui trọn vẹn. Khi về đến nhà tao mới nhớ ra là tao lãng đãng buồn chỉ vì trước khi đi học nghe tin Việt‐Nam mình mới thua Mã‐Lai trong giải Merdeka!
Cường lắc đầu:
‐ Cái thằng! Mày đâu có chơi bóng tròn.
Tôi gật đầu:
‐ Nhưng mà vẫn buồn vì Việt‐Nam mình thua!
Cường phê bình:
‐ Mày lãng mạn vừa thôi, nếu không sẽ khổ lắm ‘con’ ạ.


Hùng thấy Hoài và tôi lúng túng nên xen vào:
‐ Ngày xưa tôi thường phá Duy, nghịch ngợm ghép tên ông với Hoài. Lúc đó chúng mình còn quá trẻ nên không suy nghĩ chín chắn. Hai bạn đừng buồn tôi nhé.
Tôi lắc đầu, quay lại vỗ vai Hùng:
‐ Hùng làm tôi nhớ bạn bè và trường cũ quá. Ước gì chúng mình lại nhỏ dại như xưa, dù chỉ một ngày. Thành thật cám ơn Hùng đấy.
Hùng tế nhị cáo từ:
‐ Để hai bạn nói chuyện. Hôm nay mình phải về nhà đưa thằng con tới bệnh viện tái khám. Hoài cố mời:
‐ Anh ngồi chơi đã. Còn sớm mà!
Hùng chỉ lặng lẽ mỉm cười, giơ tay vẫy chào. Tôi đưa Hùng ra tận ngoài đường, móc gần hết số tiền mang theo dúi vào tay Hùng:
‐ Cho tôi địa‐chỉ của Hùng. Sẽ tìm Hùng khi tôi trở về Việt‐Nam dạy học năm tới.
Hùng ngần ngừ:
‐ Cám ơn Duy đã giúp tôi. Nhà tôi bên Khánh Hội, khu nhà lao‐động, không dễ tìm, và không an‐toàn cho những người như Duy. Tôi thường đón khách quanh công viên Mê‐Linh. Duy cứ tìm tôi ở đó, hoặc nhắn Hoài. Tháng nào tôi cũng tới Hoài mua thuốc cho cháu.
Tôi đứng nhìn Hùng mất hút trong đám xe cộ mịt mùng rồi mới quay vào. Khi nghe tin Du chết trận bên Lào tôi khóc nức nở. Đưa xác ‘Thông Sứt’ từ ngoài Trung về Sài‐Gòn chôn cất tôi buồn, ngơ ngác như người mộng du. Nhiều bạn bè tôi ra đi lặng lẽ, ‘Thịnh Mù’ bây giờ ở đâu?
‘Quyền Điên’ bây giờ thế nào? Tình cờ gặp lại Hùng và thấy Hùng xơ xác tôi không khỏi nghẹn ngào. Những ray dứt này có lẽ không bao giờ nguôi.
Hoài nhờ người phụ tá trông coi, mời tôi vào phòng khách bên trong, vừa đi vừa nói:
‐ Tội Hùng lắm. Đời sống cơ cực, con đau triền miên, tới mua thuốc nhiều lần mới nhận ra
Hoài. Sao Duy nhận ra Hoài ngay?
Tôi mỉm cười:
‐ Đoán vậy thôi. Hùng nói đi gặp bạn cùng lớp, mà bạn gái học cùng lớp chỉ có mấy người, và hình như chỉ có Hoài sau đó học Dược.
Hoài cũng mỉm cười, mắt nhìn xa xôi:
‐ Mấy chục năm mới gặp lại Duy mà thấy Duy vẫn thông minh như xưa. Lâu lắm rồi Hoài có gặp Ngà, cô em họ của Duy, bán sách báo ở gần nhà bên Phú‐Nhuận. Ngà nói Duy đi du‐học, và Hoài cũng chỉ biết vậy về Duy. Duy về VN thăm gia‐đình?
Tôi tóm tắt, gói ghém cuộc đời 40 năm vào vài câu rồi kết luận:
‐ Có lẽ tôi có số phiêu bạt nên không được ở yên, hết đi biển tới du‐học xa, bây giờ về VN dạy học nhưng gia‐đình còn ở bên Cali nên vẫn đi đi, về về.
Nâng tách nước trà thấm giọng, tôi bâng khuâng nói tiếp:
‐ Lần cuối cùng tôi thấy Hoài đi lặng lẽ trong đám sinh viên xuống đường chống chính quyền thời bấy giờ. Tôi đứng trên viả hè, muốn gọi mà không dám, chỉ đứng nhìn, rất lâu và rất xa như hồi chúng mình còn học chung. Từ đó tới giờ đời sống của Hoài ra sao, kể cho tôi nghe được không?
Hoài có chút thoáng buồn:
- Đời Hoài không mấy êm đềm, Duy ạ. Tốt nghiệp xong ít lâu Hoài lấy chồng và mấy năm sau mới có được một cháu trai. Chồng Hoài là bác‐sĩ quân y. Năm 76 anh Tôn vượt biên một mình vì lúc đó con Hoài còn quá nhỏ, sợ không chịu được gian lao trên biển. Từ đó không bao giờ Hoài được tin anh Tôn. Vì sinh kế Hoài lao mình vào thương trường, và rồi vì sống còn Hoài lấy chồng lần thứ hai. Anh Hoàng nguyên là cán bộ. Hiện giờ anh ấy đang ở ngoài Hà Nội, xin giấp phép nhập cảng dược liệu. Coi vậy thôi chứ cuộc đời Hoài cũng nhiều cay đắnglắm.
Tôi thở dài:
‐ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!
Hoài bật cười:
‐ Duy còn làm thơ như hồi học Trần Hưng Đạo không?
‐ Cũng thỉnh thoảng, và chỉ được vài bài đáng nhớ, trong đó có bài thơ vụng dại viết về ngày xa Đà Lạt.
‐ Duy đọc cho Hoài nghe bài thơ ấy đi.
‐ Tôi cũng không nhớ hết, nhưng có mấy câu tôi không bao giờ quên. Đọc cho Hoài nghe nhé:

Chiều tiễn đưa, mưa rơi trên mái tóc.
Mắt em buồn, đồi thông gió cũng buồn.
Giã từ em, giã từ ga vắng.
Em về giữ lại dấu môi hôn.

Hoài thấy đó, giã từ Đà Lạt bằng xe hoả thì có thật, còn người yêu tiễn đưa thì chỉ là trong giấc mơ .
Hoài mơ màng:
‐ Hồi đó chúng mình còn thơ ngây quá phải không? Duy vừa học giỏi, vừa si‐tình mà nghịch ngợm thì cũng không ai bằng!
Tôi cười trừ:
‐ Tưởng Hoài không biết!
‐ Làm sao không biết! Nhớ Kim‐Yến ngồi cạnh Hoài không? Nó sửa tên ‘Như‐Hoài’ trên tập vở của Hoài thành … ‘Duy‐Hoài’ làm Hoài ngượng và tức với Duy luôn. Vậy mà không giận được, hôm đó giờ ra chơi Hoài ngồi lại trong lớp, có cả Duy và Lạc nữa. Anh Lạc hiền lành, bị Duy gọi là … Sư Lạc, và xui anh ấy ‘tu với vãi, đẻ ra tiểu chạy lon ton trong chùa’. Hoài buồn cười quá mà không dám cười vì ngượng với Duy, chỉ ôm bụng cố nhịn, đến nỗi muốn đau luôn.
Tôi cũng cười:
‐ Hồi đó chúng mình đang tuối học trò. Bây giờ dạy học nên tôi ‘nghiêm túc’ lắm. Riêng ‘Sư Lạc’ thì tôi có gặp ở Los Angeles. Lạc quả có tu, nhưng không tu tại chùa mà tu tại gia, theo phái của thiền‐sư Nhất Hạnh. Tôi cũng gặp cả Phong ở San Diego. Hoài nhớ ‘Thanh Phong
Cơm Gà’ không?
‐ Nhớ. Hôm đó lớp mìmh cắm trại tại Đông Sơn, Phong nấu cơm ăn với thịt gà cho mọi người mà rồi bị mang tên “Thanh Phong Cơm Gà’. Không biết ai ‘ác’ vậy?
‐ Có lẽ là ‘Tắc Xình’ hoặc ‘Cẩm Bò’ chứ không phải tôi. Tối đó Hoài mang cho tôi bát chè đậu. Tôi không muốn ăn mà chỉ muốn giữ … làm kỷ niệm. Kim‐Yến đòi mãi tôi mới ngần ngừ đưa trả cái bát!
Hoài cười ngất:
‐ Duy lãng mạn hơn là Hoài tưởng nhiều.
‐ Đêm đó tôi hầu như không ngủ, nằm nhìn trời sao, mong cho có sao băng để ước nguyền. Sao chỉ lung linh, và lời ước nguyền không bao giờ nói được.
Hoài nheo mắt:
‐ Sao trời lung linh đẹp hơn sao băng Duy ạ. Mà cần gì sao băng. Duy nghịch ngợm vậy mà sao có lúc Duy lại còn nhát hơn cả Hoài nữa!
Tôi cười gượng:
‐ Nhát và mặc cảm. Lúc đó gia đình tôi nghèo lắm. Tôi chỉ có một chiếc áo len độc nhất mặc đi học. Hoài ở villa cạnh nhà Cường. Tôi đến chơi với Cường, đứng bên này balcon nhìn sang bên đó, thấy chị em Hoài thấp thoáng mà không dám nhìn lâu chỉ sợ Hoài bắt gặp. Nghĩ lại không biết sao mình ‘u‐mê’ đến thế.
Hoài cười nhắc tôi:
‐ Có lần Cường đưa Duy sang chơi. Cường ba‐hoa như bà già, còn Duy lập cập, chẳng nói được câu nào.
Tôi bật cười:
‐ Tôi nhớ rồi. Khi đó niên học đã tàn. Chúng mình chuẩn bị mỗi người đi một phương!
Hoài thở dài hỏi tôi:
‐ Mới ngày nào! Bao giờ Duy về lại California?
‐ Thứ Ba tuần tới. Cuối tuần này anh Hoàng về chưa? Tôi muốn mời vợ chồng Hoài dùng cơm tối với tôi.
Hoài lắc đầu:
‐ Còn hơn tuần nữa anh Hoàng mới về. Thôi, để khi nào Duy trở lại Việt‐Nam Hoài sẽ mời
Duy tới nhà ăn cơm. Chịu không?
Tôi gật đầu mạnh bạo:
‐ Chịu là cái chắc.
Hoài chớp mắt nhìn tôi mỉm cười:
‐ Ước gì ngày xưa Duy cũng mạnh bạo như bây giờ!
Tôi hơi đỏ mặt nhưng cũng thấy thoải mái hơn. Những e‐dè ban đầu khi mới gặp lại Hoài hình như đã biến mất. Tôi cười với Hoài, hỏi Hoài câu hỏi mà tôi thắc mắc từ bao nhiêu ngày qua:
‐ Nếu ngày xưa tôi mạnh bạo, nói với Hoài là ‘Duy yêu Hoài’ thì Hoài trả lời sao? Có mắng Duy không?
Hoài cười khúc khích:
‐ Chắc là không.
‐ Không mắng hay là không … yêu.
Hoài lắc đầu lảng tránh:
‐ Không … biết nữa.
Môi Hoài vẫn chúm chím cười, và tôi thấy chút màu hồng trên đôi má đã có nếp nhăn. Ngày xưa tôi thường tìm những nơi vắng vẻ, thầm hát như nhắn nhủ tới Hoài:

“Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
Thương em mong manh như một cành lan.”
1

Tôi nhìn Hoài chăm chú hơn. Hoài không còn giống người con gái tôi yêu say mê dưới mái trường trung học, không còn là hình bóng tôi mang theo những ngày dài trên biển để chống chỏi với sóng gió phũ phàng. Nét yêu kiều của Hoài xưa đã phôi pha, tôi biết tình yêu xưa đã nhạt nhoà và thấy lòng mình chùng xuống vì tiếc nuối nhưng đồng thời cũng thấy một tình cảm khác, ấm áp, chân thành và dịu dàng đang nẩy mầm.
Tôi nói với Hoài:
‐ Hy vọng là lúc nào Hoài cũng vẫn coi tôi là bạn. Chúng mình như hai nhánh sông, không thể ngược dòng tìm về chốn cũ, nhưng chúng ta là những nhánh sông hiền hoà xuôi theo dòng đời. Mong Hoài được hạnh phúc, lâu lâu cho tôi tới thăm, giữ chút kỷ niệm êm đềm của thời hoa niên, Hoài bằng lòng không?
Mắt Hoài long lanh như có ngấn nước:
‐ Lúc nào Hoài cũng mong Duy tới thăm. Cám ơn Duy đã gợi lại cho Hoài bao nhiêu là ngày vui cũ. Cho Hoài gửi lời thăm các bạn bên Hoa Kỳ, và mong rằng một ngày nào chúng mình được họp mặt đông đủ. Duy tổ chức ‘class reunion’ đi!
Tôi đứng lên:
‐ Gặp lại Hoài tôi thấy mình như trẻ lại. Vâng, để tôi xem rồi mình có thể tụ họp bạn bè xưa một ngày nào đó không. Ngày vui nào cũng qua mau, thôi chúng mình tạm chia tay.
Hoài cũng đứng lên:
‐ Duy về. Bao giờ trở lại Việt‐Nam nhớ tới thăm Hoài nhé.
Hoài đưa tay nắm nhẹ bàn tay tôi, cái nắm tay 40 năm muộn màng nhưng tôi vẫn bồi hồi:
‐ Cám ơn Hoài. Cám ơn Hoài nhiều lắm.
Hoài đưa tôi ra tớí cửa. Cả hai chúng tôi vẫn còn như bâng khuâng. Tôi nói nhỏ:
‐ Hoài vào đi.
Và buớc nhanh ra khỏi cửa. Chợt Hoài gọi với theo:
‐ Duy …
Tôi quay lại nhìn Hoài như chờ đợi. Giọng Hoài như hơi thở nhẹ:
‐ Con trai Hoài hiện đang ở Úc. Tên cháu là … Vũ Như‐Duy.
Tôi lặng người nghe máu nóng chạy trong lồng ngực, câu hỏi 40 năm bây giờ đã có câu trả lời. Bỗng dưng tôi lắp bắp như xưa:
‐ Cám ơn … Hoài. Cám ơn Như‐Hoài nhiều lắm.

Không đợi Hoài nói thêm tôi cúi đầu đi nhanh. Tới chỗ rẽ tôi quay đầu nhìn lại, Hoài vẫn còn đứng đó trông theo. Tôi thả bộ trở lại bờ sông Sài‐Gòn, đứng nhìn dòng nước. Nước sông không lững lờ cho tôi soi bóng mình mà cuồn cuộn trôi như thời gian, mang theo những tháng ngày xanh, mang theo những mảnh đời vui buồn.
Trần Quang Thiệu
Mùa Hè ‐ 2006

 

img1
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn