Nét Phát Thảo Của Vườn Địa Đàng Tuỳ Bút Cao Thu Cúc:

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 4658)
Nét Phác Thảo Của

 Vườn Địa Đàng

 Cao Thu Cúc
Xóm cũ của tôi ở Đà Lạt, nằm trải dài trên một con dốc nhỏ, cuối con dốc là một khu chợ nhỏ. Cuối chợ nhỏ là một con dốc nhỏ hơn đi ngược lên là đồi ,chúng tôi đuổi nhau chạy loanh quanh trên đồi, rồi chạy vô rừng độ mười lăm phút là đến dinh Bảo Đại. Con dốc nhỏ này chính thức được mang tên một nhà văn hoá một nhà quân sự kiêm mưu sĩ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Đào Duy Từ, nhưng không hiểu vì sao mọi người hay gọi bằng một cái tên không mấy đẹp mà khi phải nhắc với một người lạ là tôi vô cùng xấu mặt. Cái tên xấu xí đó là “ Dốc Nhà Bò”. Sở dĩ nó phải mang một cái tên không đẹp này là do huyền thoại vua Bảo Đại đã từng có một nhà nuôi bò nhỏở trên đồi. Chỉ vì vậy mà trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi cứ phải mang một dấu vết như một vết chàm không gột rửa được.Sau năm 1975, những con chim Lạc Việt ở xóm nhỏ này cất cánh bay đi khắp bốn phương trời.
GẶP LẠI NGƯỜI XÓM CŨ
Hơn bốn mươi năm trôi qua, hôm nay trời San Jose nắng ấm, tôi đi dự một cuộc họp mặt bạn bè đồng hương. Một người đến đứng sau ghế tôi và hỏi:
- Tôi nghe nói hôm nay có chị Cao Thu Cúc đến dự, chị có biết chị Cúc ngồi ở đâu không?
Vừa nghe tên Cao Thu Cúc thì người khách bệ vệ ngồi bên cạnh tôi từ đầu buổi tiệc quay nhìn tôi kêu lên kinh ngạc:
- Chị Thu Cúc hả? Tôi, Thành đây mà.Thành ở xóm Dốc Nhà Bò đây mà.Ba chữ Dốc Nhà Bò vừa buông ra tôi nghe như có tiếng reo vang vọng từ khung trời thơ ấu. Thành say sưa nói:
- Tôi học cùng lớp với Tuấn em trai chị, tôi hay ra nhà chị làm toán cùng với Tuấn. Tuấn bây giờ sao rồi chị? Nhà tôi ở ngay trước đình chợ, chị còn nhớ cái chợ nhỏ đó không? Ờ tôi qua đây từ hồi 1981 sau 6 năm ở tù.Qua đây gặp Trang và cùng Trang xây tổ ấm, cả hai đứa cùng làm việc trong một hãng điện tử, bây giờ về hưu rồi.Cả hai chúng tôi cùng tham gia làm việc trong các hội đoàn, tổ chức các cuộc hội họp để giữ mối tình đồng hương luôn luôn nồng ấm.À chị còn nhớ anh em nhà Xu ở phía bên trái nhà chị không? Bây giờ tụi nó đang ở bên Washington D.C, Anh em nhà nó đều là kỷ sư vi tính, lập nghiệp đã lâu, bây giờ gia đình sự nghiệp rất vững vàng, chị còn nhớ không?

Tôi thích đọc sách của Orhan Pamuk, tôi nhớ rất rõ xóm tôi. Tôi nói:
- Nhớ chứ sao không? Mẹ nó rất hiền hay qua nói chuyện với mẹ tôi. À mà lúc đó tôi tưởng tụi nó đi qua Anh Quốc chứ, vì nghe nói lúc đó chú của nó đang ở bên nước Anh, làm việc cho đài BBC.- Ờ chị nói tôi mới nhớ, lúc đó cứ mỗi buổi tối lúc 7giờ 30 nghe ông Trọng Văn đọc bản tin là mình thấy tụi nó oai quá trời.
-Chị có nhớ trước mặt nhà chị... - Trời, tôi nhớ chứ , đó là Ty Tiểu Học, gia đình ông trưởng ty ở đó, con gái nhỏ học với tôi năm đệ tam, nó đi vượt biên qua Mỹ từ lâu rồi.
Thành say sưa kể cho tôi nghe, át cả tiếng hát tiếng nhạc trên sân khấu. Thành kể chuyện từ đầu xóm đến cuối xóm. Căn nhà đầu tiên, nhà số 2, là nhà của Hồng Lang Hồng Quế. Tôi ngắt ngang:
- Hồng Lang là bạn cùng lớp với tôi, Hồng Lang đang ở Los Angeles, hai chúng tôi liên lạc với nhau hằng ngày, hết điện thoại lại đến email, lại giống như hồi nhỏ tụi tôi cũng hay chạy qua chạy chơi với nhau.

XÓM MỚI NGÀY NAY

Thành và tôi thay nhau dành nhau mà kể tên những người bạn cùng xóm ngày xưa. Mấy chục năm nay lưu lạc qua đây, tuy nhiều người chưa có điều kiện gặp nhau nhưng họ vẫn liên lạc với nhau, qua điện thoại, qua email, qua Facebook... Phương tiện thông tin ngày nay vừa mau chóng vừa tiện lợi, họ vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm như xưa.Nếu có dịp gặp nhau trong những ngày hội thì họ ôm vai nhau cùng ngồi một bàn.

- Chị có nhớ nhà ông Đội Huân ở cuối xóm không? - Ờ ờ tôi nhớ tôi nhớ. Gọi là ông đội vì ông làm cai đội cho vua Bảo Đại, nhỏ Quỳ Hương con của ông học với tôi năm đệ tam.-Chị nhớ đúng đó, em của Quỳ Hương là Mãn Hương, anh Đơn của nó qua đây, nhưng nghe đâu bị bịnh đã mất rồi... Chúng tôi cùng thở dài, im lặng một lúc như chia sẻ nỗi buồn với người vắng mặt. Rồi tôi nói:

- Anh có nhớ ngôi nhà bên tay phải nhà tôi không? Đó là nhà anh Vinh.Hiện anh Vinh đang xây dựng vương quốc riêng ở bên Pháp. Anh Vinh là con cháu vua nhà Nguyễn mà, anh ấy đang cố gắng bảo tồn tài sản của tổtiên để lại. Các anh coi chừng, viết tiếng Việt cho anh Vinh mà sai chữ sai nghĩa sai dấu hoặc không có dấu là chết, anh ấy không tha cho đâu, anh ấy nghiêm khắc lắm.Anh có nhớ không? Phía dưới nhà anh Vinh là nhà chị em Dung, Châu. Châu hiện đang sống cùng con trai nha sĩ và hai con gái dược sĩ ở Connecticut. Châu ngày ngày vẫn còn đi làm ở phòng nha của con trai. Châu tự hào là mình đang ở gần New York và kế cận Massachusetts quê hương của Kennedy nên lâu lâu lại mua vài cái áo thời trang gởi cho tôi. Châu nói: - Ở đây gần quê hương của tổng thống Kennedy mà, thiên hạ ở đây ăn mặc đẹp nhất nước Mỹ. Ờ, Châu bây giờ khác xa, hồi trước nó hiền như ngọn cỏ non... Hai chúng tôi như người say, kể qua kể lại cho đến tiệc tàn. Ra về, anh Thành chở tôi về nên câu chuyện xóm cũ lại tiếp tục trên xe.

Tôi nói:
- Những người ở xóm cũ của mình bây giờ lập thành một xóm mới được rồi. Tuy không ở sát vườn nhau như trước, nhưng bây giờ bọn mình lại ở sát vách nhau. Anh lên trên mạng mà coi, vô Facebook mà xem, có phải mình ở kề nhau không? Tha hồ xem hình, tha hồ viết thưđọc thư. Nếu lên Skype nói chuyện nữa thì vừa thấy mặt vừa thấy nhà cửa, chẳng khác nào đến nhà nhau, ở trong nhà của nhau. Hoan hô thời đại điện tử, chúng ta tạo thành một Xóm Mới thay cho cái tên Xóm Nhà Bò được rồi, anh có đồng ý không? Chúng tôi vô cùng hân hoan với cái tên có ý nghĩa mới mẻ này.Đổi quê hương, đổi cuộc sống, đổi thời đại, chúng tôi cũng đổi được số phận phải mang chung một cái tên mà mình không muốn. Từ nay chúng tôi sẽ liên lạc với nhau, nói với nhau nhắc cho nhau nghe bằng cái tên Xóm Mới này. Vậy còn tên xóm cũ ? Ơ thì nó vẫn ở đó, trong ký ức của chúng ta chứ sao.Xóm cũ, dù mang cái tên không đẹp, dù có những mái nhà tole nhỏ bé vách gỗ, dù con đường đi gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi đi xe đạp trên đó mỗi ngày như cởi con ngựa sắt xuyên qua cánh rừng đầy chông gai, nhưng trong ký ức tuổi thơ, xóm cũ vẫn thân thiết, mang mác tình người; vào những buổi sáng trời mù sương, chúng tôi thích nhìn những tia nắng đầu tiên chiếu qua cây thông trên đồi trông rực rỡ nhưánh sáng của Chúa trong ngày Thứ Nhất, và lúc đó tôi thấy xóm cũ trở thành một mẫu phác thảo của vườn Địa Đàng trong ký ức xa mờ.
Ngày nay chúng tôi sống trong Xóm Mới, vui cười với nhau trong Xóm Mới, làm việc trong Xóm Mới, thực hiện ước mơ trong Xóm Mới thì nét phát thảo của khu vườn Địa Đàng ngày xưa đang dần dần được hoàn thiện.

Cao Thu Cúc
SanJosé, Ngày 8 tháng 3 năm 2013
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn