Ơn Này Bao Giờ Mới Trả Tuỳ Bút Phạm Mai Hương

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 5218)


Ơn Này Bao Giờ 
 
Mới Trả !

 Phạm Mai Hương

Một ngọn đồi rộng bao quanh thác Cam Ly chạy dài từ cuối đường Hoàng Diệu đến chân lăng Nguyễn Hữu Hào – cha của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại – là buôn làng của người K’ Ho. Người Kinh ít khi bén mảng vào đây, họ gọi vùng đất đó là huyện Mọi. Người K’Ho sống yên bình thanh thản, những mái nhà sàn thấp thoáng dưới rặng thông già, cạnh ngọn thác duy nhất nằm ở trung tâm thành phố, mỗi mái nhà có mảnh vườn nhỏ cùng đàn gia súc ngộ nghĩnh: con gà thượng bao giờ cũng ốm yếu, chân dài lêu khêu; con heo mọi đen ngòm, nhỏ như chiếc bình tích, thịt ăn ngon, ít mỡ; những trái dưa gang to đùng, nhiều nước mà không thơ m…
Trong huyện Mọi có ngôi ký túc xá hai tầng dành học sinh trung học nội trú đến từ những buôn làng lân cận. Học sinh K’Ho không chỉ học trường Việt, con nhà khá giả còn học ở trường D’Adran, Lasan…Những khuôn mặt đen đúa bớt vẻ cam chịu số phận, đôi mắt to như mắt nai đầy nghị lực, thể chất mạnh khoẻ. Con gái vẫn mặc sà rông, tayđeo đầy hạt cườm nhưng con trai toàn mặc âu phục. Sát huyện Mọi còn có ngôi trường nội trú của một nhà dòng Thiên Chúa Giáo.Trong khuôn viên trường có ngôi nhà thờ đặc biệt dành cho người dân tộc. Nhà thờ không rộng, thiết kế theo kiểu nhà sàn, hai mái cao hơn mười mét, lợp ngói đỏ nhìn bề thế nhưng giản đơn nằm lọt giữa rừng thông và những hàng bông giấy đỏ thắm, khiến người ta ngẩn ngơ những tưởng cảnh rừng núi Phi Liêng lạc vềđây. Gần nhà thờ là dãy ký túc xá dành cho nữ học sinh, xuống xa hơn dành cho nam sinh, có cả sân đá bóng, sân bóng chuyền và một rừng thông bạt ngàn để học sinh cắm trại. Khu ký túc này dành cho con người giàu cóở các buôn làng sung túc hoặc con các công chức cao cấp người sắc tộc ở Cao nguyên Trung phần.
Năm 1975, học sinh trở về nhà, tứ tán, không còn tổ chức nào tài trợ cho các em ăn học và nhà trường không được phép nuôi học sinh. Cùng lúc ấy, anh rễ tôi đi học tập ở Hàm Tân, chị Mai Trang – Chị ruột của tôi - bỏ dạy ở Quảng.
Đức về Dalạt xin dạy lại. Thuở đó các cô gái miền Bắc vào Nam chỉ thích ngành thương nghiệp hay du lịch, ngành giáo dục cần văn hoá và ít tiền lương nên thiếu nhân sự, chị Mai Trang được nhận ngay. Chị được phân dạy ở ngôi trường nhỏ có bốn lớp trong khuôn viên huyện Mọi được đổi tên là xóm 13, ngôi trường nhỏ mang cái thác bên cạnh: trường tiểu học Cam Ly. 
Nhà trường gồm một dãy lớp học hai tầng lầu, có bốn lớp, mỗi lớp chừng hơn chục em, Soeur Liên làm hiệu trưởng, soeur Liệu dạy lớp một, ông thầy dân tộc Ha Nhan dạy lớp hai ,vì các em chưa sỏi tiếng Kinh, chị tôi dạy lớp bốn, chị Nguyệt cùng ở trong xóm dạy lớp ba. Ngôi trường nằm giữa gian nhà nhỏ dành cho các soeurs và nhà thờ do cha Trung quản. Cha Trung chưa đến tuổi ba mươi nhưng thông thạo ngôn ngữ của người K’Ho, Cill, Radé…Cha còn giỏi thuốc nam như một người dân tộc nguyên thuỷ. 
Người Thượng trong xóm 13 giờ nghèo nàn. Các tổ chức nhân đạo trước kia không còn nữa nên họăn những gì thu hoạch trong mảnh vườn nhỏ bé, không thể trông chờ vào nguồn thu nhập nào khác. Ông già làng còn khá trẻ, chững chạc lịch sự như một người Kinh nay được làm xóm trưởng. Mỗi sáng chị tôi cùng chị Nguyệt đi dọc con đường mòn từ cuối đường Hoàng Diệu đến đầu thác Cam Ly rồi thong thả quay về trường. Các em khi thấy bóng dáng cô mới bắt đầu lũ lượt ra khỏi nhà theo chân vào lớp. Chúng không íới gọi nhau.Học sinh dân tộc ít cãi nhau hoặc to tiếng, có gì không phải, chúng rì rầm to nhỏ bằng tiếng của mình, không cần cô phân xử.Thông minh nhất là Halay, con ông xóm trưởng; xinh xắn nhất là K’Mai. Chương trình học lúc ấy không rõ ràng, vả lại các em cũng chưa sỏi tiếng Việt, các cô dạy vài ba phép tính cộng trừ, xong buổi học sinh để lại sách vở tại trường, không được mang về nhà sợ cha mẹ lấy để vấn thuốc hút. Buổi tối, chị tôi cùng chị Nguyệt đi qua những con đường tối đen như mực lên trường dạy bổ túc văn hoá. Dưới ánh đèn những người thượng ngồi học nhưng bụng đói, người khen khét mùi nắng.
Đồng lương chỉ gồm 18 kg bo bo hoặc bột mì; tấm tem phiếu mua nửa kg đường, nửa cân thịt cho cả năm nhưng chị tôi vẫn thảnh thơ i vì mẹ tôi đã mở lại lò làm bánh phở, tuy không đắt nhưng đủ nuôi các con. Chị tôi thong dong được một năm, thỉnh thoảng lại bỏ học trò lấy phép đi thăm nuôi chồng đi cải tạo Cùng năm ấy, tôi dạy trường Đoàn Kết- ngôi trường Tân Sanh cũ của người Hoa- nằm ngay trung tâm thành phố.. 
Hết niên khoá 75-76, có chỉ thị từ thành phố: tất cả giáo viên độc thân phải đi xuống huyện hoặc vùng kinh tế mới! Khi ấy tôi chưa lập gia đình và cũng chưa bao giờ rời xa gia đình, chị tôi sợ tôi xuống vùng khỉ ho cò gáy khó lấy chồng nên lên phòng giáo dục xin đi thay.Tôi là trường hợp độc thân duy nhất được ở Dalat mà không có sự quen biết.Chị tôi xuống dạy trường Bồng Lai cách Dalat hơn 20 km. 
Một năm sau, vì lý do an ninh chính trị, một buổi sáng, dưới sự giám sát của công an và quân đội, người Thượng ở xóm 13 di dời vào tận Tà Nung rồi sau vào Tà In, các em học trò theo bố mẹ bỏ trường. Trường Cam Ly trở thành phân trường của trường Trần Bình Trọng và giờ biến thành trường dạy lái xe của thành phố. Và sau đó chị tôi cũng nghỉ việc vì lý lịch của chồng, chị về Saigon trở thành người bán trà thô. 
Ngay vào thời điểm ấy, tôi không cảm nhận được sự cao cả của sự hy sinh của chị tôi dành cho mình, mặc nhiên nhận như thể đó là điều mà bất cứ người chị nào cũng phải làm cho em. Phải mất một thời gian khá dài, chừng hơn chục năm sau, khi các bạn cùng tuổi đi xuống huyện đợt đó, đã mất tuổi trẻ ở vùng đất cằn cỗi, sức khoẻ không còn vì ngã nước, muốn về lại Dalat phải chạy vạy mất tiền. Đa phần các bạn đều quá thì khi trở về lại nhà. Phải mất nhiều năm nữa, tôi mới cảm nhận được sự cao cả của chị tôi ; một cô gái mảnh mai, tay xách chiếc túi xắc, đứng ngã ba đường, đất bụi mịt mù, giữa trưa hanh nắng để đón xe về nhà mà lòng ngỗn ngang chuyện chồng trong trại cải tạo, chuyện mình phải sống thế nào trong hiện tại, chuyện gia đình mình đông em út trong thời bao cấp với lý lịch của ba tôi quá nặng nề…
Tôi nghĩ về chị tô i- chị Mai Trang - rất lâu, ngoài tình ruột thịt, tôi nợ chị nhiều thứ mà có lẽ hết cả đời này tôi cũng không thể nào trả được!

Phạm Mai Hương 
image575

image577
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn