Chị Em Hộc Bàn Tuỳ Bút Hoàng An

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 5004)
Chị Em Hộc Bàn

 
Hoàng An (NHTA) 
 Tôi không biết phong trào chơi Chị em hộc bàn ở trường BTX có từ bao giờ nhưng năm tôi học lớp đệ lục 4 (1966) tôi thấy bạn Ánh ngồi cạnh tôi đã viết thư tìm chị rồi.
image553
Hồi ấy trong lớp, bốn đứa tôi: Đông, An, Ánh, Phụng ngồi một bàn. Đông ngồi đầu bàn phía ngoài bước vào, đến Phụng, tôi và Ánh. Chúng tôi chơi với nhau rất thân và gần như ít chơi với các bạn khác; nếu một chuyện gì của một đứa thì cả ba đứa kia đều biết. 
Một hôm tôi thấy Ánh đi học sớm hơn mọi ngày, vừa đến chổ ngồi Ánh đã vội thò tay vào hộc bàn lục tìm cái gì đó. Tôi nghĩ chắc nàng bỏ quên vở viết gì, biết có còn không vì phòng học của tôi giờ chiều, buổi sáng đã có lớp tứ bốn học qua. Rồi tôi thấy Ánh rút ra tờ giấy gấp làm 4 rất ngay ngắn.tôi tò mò hỏi: 
- Ê, Ánh giấy gì đó? Ánh đang định mở xem nhưng lại thôi, còn nắm chắc tờ giấy hơn và nói:
- À à không có gì chỉ là tờ giấy thôi.
Tôi thấy nghi giấy gì mà phải tìm lại còn bí mật vậy. Ngay lúc ấy Đông, Phụng cũng vừa đến. Tôi nháy mắt với Phụng, hai đứa giữ chắc hay tay Ánh còn Đông sau khi nghe tôi nói sơ qua đã giật tờ giấy của Ánh nghiêm giọng.
- Để trẫm kiểm tra xem trong này viết gì mà Ánh giữ khư khư vậy. Rồi Đông mở ra chững chạc đọc: 
Lớp học … ngày tháng năm 
Em Ánh thân mến 
Chị đã nhận được thư làm quen của em rồi, chuyện dễ mà, nhưng chị nói trước chị xấu như Chung Vô Diệm lại học dở nữa, nếu em không chê thì không vấn đề. Chị em mình cứ từ từ tìm hiểu nhé, sắp đến giờ về rồi, hẹn thư sau.
Chúc em luôn vui và học giỏi 
Chị Dương Khánh Linh
 
Lá thư ngắn gọn nhưng ý rất rõ ràng Ánh thở phào nhẹ nhõm
- Đó, có gì đâu, tụi bây thật quá đáng. Tao chỉ làm quen chị buổi sáng thôi mà. Từ hôm ấy mỗi đầu giờ chiều Ánh đi học sớm hơn để đọc thư và nắn nót hồi âm .
Một ngày kia chả biết sao Phụng lại đến sớm hơn, nàng kiểm ra thư chị Linh viết xong trả lại chổ cũ và nói riêng với tôi và Đông.
- Tao nghĩ mỗi đứa mình quen một chị đi, chị em Ánh viết thư thân thương lắm.
 
Đông phản đối trước tiên:
- Không, Trẫm không chơi đâu. Trẫm có chị ở nhà rồi, hễ không vừa ý là gây cãi nhau liền. 
Tôi đồng tình với Phụng vì chúng tôi chỉ có anh. Hôm ấy hai đứa tôi đã lấy giấy học trò để viết thư, viết sao đấy. tôi hỏi Ánh:
- Mày bày cho tao với. Ánh rất tự tin:
- Chẳng có gì khó, tụi bây cứ hỏi chị nào ngồi đây cho em làm quen với. Em tên họ gì, sở thích gì … 
 ***
Thư Phụng gửi đi được trả lời, tôi thì không. Tôi được chị Linh của Ánh báo là bàn ấy có một chị tên Hà đã chuyển trường về Nha Trang. Chị của Phụng tên là Đèo Nàng Trân. Tôi và đông không có chị để thư đi tin lại nên vui chung niềm vui của hai bạn. Bốn đứa sau nhiều ngày đọc thư của chị nhất định phải xem mắt các chị thế nào trước khi nhận được ảnh họ tặng như đã hứa.
 Rồi ngày ấy cũng đến.khi chúng tôi có giờ thể dục buổi sáng. Học xong cả bọn kéo đến hành lang phía sau lớp lén nhìn vào. Cả lớp tứ bốn lúc ấy đang học giờ sinh vật.bốn đứa tụi tôi nhẹ nhàng quan sát cho đến khi bị cô Khuê phát hiện đuổi đi mới thôi. Dù sao cũng được thấy chị Linh tóc dài, khuôn mặt thon thả, chị Trân tóc cắt ngắn cúp hết vào cổ, mặt tròn và rất trắng. Hai cô em đã rất hài lòng, còn các chị thì sao? Họ trao đổi thư từ rất đều đặn, hẹn gặp nhau những ngày có buổi học chung. Những lúc ấy chị Không phải tôi đi tìm chị mà một cô em lớp thất 3 học phòng tôi, ngồi chỗ tôi viết thư làm quen. Cô bé tên Thoa, rất ngoan. Đông cũng không nhận em vì nàng có rất nhiều em ở nhà. Đông chỉ nói: nào em nấy, tay trong tay dạo trong sân trường. tôi với Đông thấy nét rạng rỡ trên khuôn mặt ngây thơ trong sáng của bạn minh. Sau mỗi lần đi gặp chị lúc nào Ánh, Phụng luôn có quà - khi thì kẹo, khi thì me cam thảo. Những vị chua ngọt đó chúng tôi cùng nhâm nhi chia sẻ vào buổi trưa ở lại chờ giờ học chiều.
Đến dịp sắp nghỉ tết, trưởng tổ chức liên hoan văn nghệ, lớp tôi được giải nhất đơn ca bài “Ai ra xứ Huế” do bạn Lê Loan hát. Lớp tứ bốn được giải nhất tốp ca bài “Ô Mê Ly”, mà nhân vật biểu diễn xuất sắc nhất chính là chị Nàng Trân được hóa trang thành một chàng đẹp trai mặc vest. Ôi bạn Phụng của tôi cứ đứng ngây ra mà nhìn bà chị của mình đến khi tấm màn trên sân khấu kéo lại hôm ấy bọn tôi ai cũng thấy chị Trân thật tuyệt vời. 
Mùa xuân tuổi ngọc qua đi êm đềm khi những bông mai tàn rụng hết, nhường chỗ cho những chiếc lá xanh vươn lên mạnh mẽ.chẳng bao lâu lại đến hè. Những cặp chị em bắt đầu lưu luyến phút chia tay; n` không sao - chỉ ba tháng thôi mà! Các chị đâu đã ra trường và con đường của em vẫn còn dài phía trước. 
Đến năm chúng tôi học đệ Ngũ, hai chị Linh; Trân đã lên cấp ba. Cả bốn đứa cũng chưa họ học ban nào, phòng nào. Ánh và Phụng cũng không học hết một học kỳ đã từ giã chúng tôi. Phụng nghỉ chăm mẹ ốm, Ánh vu quy. Cuối cùng chỉ còn lại tôi và Đông.Hai đứa học hết cấp hai và lên đệ tam B. Năm học này chuyện cũ lặp lại. 
- Ta nhìn quý vị có chị có em cùng chia sẻ vui buồn là đủ rồi. Thoa có đạo nên lễ Giáng sinh em mời tôi đến nhà chơi. Em mời giấc tối, mà Đà Lạt ở thập niên 60, con đường từ nhà tôi ở hồ Than Thở lên đến nhà Thoa ở Thư viện quả là tôi không thể nào đến chung vui với em được; tôi chỉ có thể gửi thiếp và quà cho Thoa và sau đó là nghe em hờn trách ở những lá thư sau lễ. Cùng thời gian này (1969) sau biến cố Mậu thân, có các anh chàng sinh viên Chiến tranh Chính trị ở quân trường đối diện qua gác buổi tối. các anh sinh viên này cũng tò mò và nghịch phá không kém. Một hôm, Thu Phương bạn tôi học ban C kể và cho tôi xem một lá thư của chàng sinh viên đã viết kèm vào thư em gái Hoài Hương của Phương gửi cho chị. Nét chữ bay bướm, lại viết bằng thơ :
Em gái Hoài Hương thương mến ơi
Tối nay anh gác lớp em rồi
Ngồi buồn anh thấy trong ngăn ấy
Có một tờ thư “chị Phương ơi..”
Cho anh xin lỗi đọc thư em
Luôn tiện anh xin được gửi kèm
Đôi dòng thơ ngắn để làm quen
Nhờ em trao chị Thu Phương nhé
Anh ước làm Anh hai chị em.
NTH
Trước khi viết mấy dòng thơ này, anh chàng đã thay mặt Thu Phương giải hết mấy bài toán khó mà Hoài Hương nhờ chị chỉ giúp. Đọc xong tôi chưa kịp có ý kiến thì Phương đã nói:
- thơ với thẩn, ai mà quen chứ, dễ làm anh lắm hả. Ký tên còn viết tắt chẳng minh bạch gì. Tôi nói với Phương:
- Chẳng phải mi học ban C chàng ta mới viết thơ ? Mà hắn chỉ ước thôi mà, tùy quyền minh chứ.
*** Chuyện Phương kể cho tôi nghe còn nóng hổi thì tôi gặp Đức - cô bạn học trên tôi một lớp. Đức kể nàng tìm thư em gái trong học bàn không có nhưng lại thấy một lá thư viết bằng giấy pelure xanh, nét chữ rất đẹp. Chàng sinh viên này viết một bài thơ dài Đức không nhớ hết, chỉ nhớ phần mở đầu và vài câu cuối. Bây giờ ngồi viết lại chuyện này, tôi cũng chỉ nhớ những câu Đức đã đọc cho nghe: 
… Ngày xưa mẹ đóng cho con sách Dành dụm cho con tới học đường Ngày nay để vá non sông rách Mẹ tiễn con ra bãi chiến trường ...
(Cách khoảng 10 câu) ... Mẹ ơi lỡ khoác chiến bào Cổ lai chinh chiến có bao nhiêu về
(Còn khoảng 10 câu nữa) Tác giả ??
 Bài thơ không ghi tên tác giả nhưng có lời gi chú như sau: 
“Nữ chủ nhân nào ngồi nơi đây tại hạ rất muốn được làm quen. Nếu đồng ý thì chủ nhât cứ cầm lá thư xanh này trên tay ra rạp Hòa Bình tại hạ hân hạnh đón tiếp. Tại hạ chỉ cao 1m65, da ngăm và nói giọng miền Tây “ 
Chao ơi! Làm gì có cái chuyện bạn Đức của tôi đi tìm hắn chứ. Tôi mặc kệ chuyện Phương, chuyện Đức kể. Tôi và Thoa đã lạc mất tin nhau khi chúng tôi không còn học chung một phòng nữa. Lúc này tôi cũng đang có một cô em gái khác lớn hơn Thoa, tên là Thy Yên Lam. Tôi gọi bút hiệu của Lam vì em làm thơ rất nhiều, viết bích báo, viết cho tờ báo của Đoàn thanh niên Sinh Công và em viết cho tôi với vô vàn chuyện tâm tình ở lớp. Sau khi rời khỏi Bùi Thị Xuân năm 1971 tôi và em ít liên lạc hơn. Lam biết nhà tôi nên thỉnh thoảng ghé xuống thăm. Khi tôi đi làm ở quân trường Võ Bị thì Lam đang học lớp sư phạm dạy tiểu học. Lam lãng mạn, mơ mộng. Chúng tôi hợp nhau ở điểm đó.Sau năm 75, tôi hoàn toàn mất tin của em. Tôi đã tìm đến nhà Hoa Nắng (là bạn thân của Lam) để hỏi địa chỉ của em, nhưng những lá thư gửi đi không được hồi âm; cho đến năm 2007 Bùi Thị Xuân kỷ niệm 55 năm thành lập trường thì tôi được tin Lam về Việt Nam. Sau đó Lam có tìm đến thăm tôi; cùng đi với em còn có chồng Lam và một người bạn nữa.
Phải nói sao về phút giây tái ngộ sau 32 năm xa cách? Tình cảm của tôi có lẽ Lam đã đọc những dòng tôi viết cho em trong đặc san kỷ niệm 55 năm của trường. Những lời nhắn gửi tôi gửi em không cần hồi âm nữa vì em đang đứng trước mặt tôi. Một cô Việt kiều giản dị, vẫn còn đó khuôn mặt thanh tú và mái tóc thề ngày nào. Gặp em là tôi vui rồi - Một buổi trưa tháng 11 của năm 2007 trời nắng vàng ấm áp và quanh nhà tôi ven hồ suối trên sườn đồi vẫn còn lác đác những đóa hoa quỳ nở muộn - màu hoa em và tôi vẫn thích ngày nào. Lam hỏi tôi về hồ Than Thở. Tôi nói em cứ ra đó dạo qua xem có phải :
Nước hồ Than Thở còn trong lắm
Thông vẫn reo vui nắng vẫn vàng
Chia tay tôi, em lên xe hướng ra hồ Than Thở. Em sẽ nghĩ gì, nhớ gì về ngày xưa tôi và em từng ngồi ven hồ những lần em xuống thăm tôi. Nhưng Yên Lam ơi, từ đó đến nay đã sáu năm trôi qua, chúng ta vẫn không liên lạc được với nhau dù em cho tôi tới hai địa chỉ. Vì sao?
Hôm nay, những ngày cuối năm Quý Tỵ, tôi ngồi viết lại những kỷ niệm này lòng không khỏi bâng khuâng nhớ trường cũ, bạn xưa. Những người chị, những cô em bây giờ đang ở đâu. Tôi biết Yên Lam hay Tiểu Sa cũng thế, em đang ở đâu bên trời Mỹ; không lẽ cái duyên của chị em mình chỉ có bấy nhiêu? Khi tôi đọc đặc san Trần Hưng Đạo - Bùi Thị Xuân năm 2012 tôi không thấy bài em viết như các số báo trước. em còn nhớ Đà Lạt không? Nhớ hồ Than Thở nữa không?
Tôi nhớ chị Nàng Trân, chị Linh dù họ không là chị tôi nhưng là chị của các bạn thân tôi. Ánh đã về cõi vĩnh hằng, Phụng - tôi vừa gặp lại sau bốn mươi bảy năm xa cách, thật là hạnh phúc. Còn Đông và tôi là đôi bạn muôn thuở.
Tôi xin gửi đến tất cả các bạn, các em, các chị lời chúc tốt lành nhất cho năm mới sắp đến, và gì nữa nhỉ, những chàng trai lỡ khoác chiến bào kia hi hữu có đọc bài viết này thì có thấy là nữ sinh Bùi Thị Xuân của chúng tôi rất có tình có nghĩa không?

Hoàng An
Đà Lạt,18.01.2014- 18/12 Quý tỵ
image555
image557

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn